Kẹt đường xuất khẩu, Long An kêu gọi tiêu thụ thanh long
Trước tình hình xuất khẩu khó khăn như thời gian qua, Hiệp hội thanh long tỉnh Long An kêu gọi các hệ thống siêu thị và kênh phân phối góp tay giúp tiêu thụ thanh long cho người nông dân bằng giá thành sản xuất.
Khôi phục thông quan tại các cửa khẩu lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc
Sản lượng trái cây xuất đi Nhật, Hàn cộng lại chỉ bằng hai ngày bán sang Trung Quốc
Hiệp hội thanh long Long An kêu gọi các siêu thị, kênh phân phối ra tay trợ giúp nông dân tiêu thụ thanh long. Ảnh: Trung Chánh
Trước những khó khăn trong xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc – vốn là thị trường tiêu thụ 90% lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam – ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An vừa kiến nghị các bộ, ngành liên quan xúc tiến mạnh thị trường trong nước cũng như các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Ông Trịnh cũng kêu gọi hệ thống các siêu thị, kênh phân phối trong nước cùng nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Trịnh cho biết, hiện thanh long đang sản xuất vụ nghịch, nông dân phải chong đèn để cây cho trái nên chi phí giá thành sản xuất cao, khoảng 15.000 đồng/kg. Do đó, ông đề xuất các đơn vị mua thanh long với mức giá 15.000 đồng/kg đối với loại I, tức loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; 10.000 đồng/kg đối với loại II và loại III là 5.000 đồng/kg.
Còn về lâu dài, ông Trịnh khuyến cáo người nông dân sản xuất thanh long trồng theo hướng nông nghiệp sạch và thực hiện rải vụ để kéo giảm nguồn cung ra thị trường trong cùng một thời điểm, qua đó, giúp mang lại giá trị bền vững hơn cho người nông dân.
Thời gian qua, tình hình xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi phía Trung Quốc “siết” chặt kiểm soát cửa khẩu vì áp dụng chính sách “zero Covid”. Hiện cửa khẩu, lối mở tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh với phía Trung Quốc đã được khôi phục thông quan.
Trước tình hình trên, dự kiến từ nay đến Tết nguyên đán sẽ có cả trăm ngàn tấn thanh long vẫn có nguy cơ tồn đọng, cần giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ.
Ông Trịnh cho biết, sản lượng thanh long của tỉnh Long An chuẩn bị thu hoạch, có nguy cơ tồn đọng từ đây đến Tết Nguyên đán lên đến 26.000 tấn.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sản lượng thanh long của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong đó, quí 1 cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 tấn, quí 2 là 150.000 tấn, quí 3 và 4 lần lượt đạt khoảng 410.000 tấn và 500.000 tấn. “Quí 4 và quí 1 tập trung sản lượng lớn vì thế đây là những tháng chúng ta cần giải quyết lượng thanh long rất nhiều”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, thanh long được trồng ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Bình Thuận, Tiền Giang và Long An là ba địa phương có diện tích và sản lượng lớn nhất. Trong đó, Bình Thuận có diện tích khoảng 34.000 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm; Long An khoảng 12.000 ha với sản lượng khoảng 320.000 tấn và Tiền Giang đạt xấp xỉ 10.000 ha với sản lượng khoảng 240.000 tấn/năm.
Ông Tùng cho biết, lượng thanh long cần tiêu thụ trong tháng 1-2021, tức từ đây đến Tết Nguyên đán là khoảng 120.000 tấn trong tổng số khoảng 300.000 tấn của quí 1-2022. “Đó là chưa kể lượng thanh long nằm trong các kho và xe vận chuyển của doanh nghiệp, đạt xấp xỉ 30.000-40.000 tấn”, ông nói.
Trung Chánh