Kết hôn không 'đáng sợ' với các bạn trẻ!
Các bạn trẻ hiện nay sợ đối mặt với nhiều thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hôn nhân. Họ trì hoãn việc lập gia đình, sống độc thân, vì trăn trở làm thế nào để tìm được người bạn đời phù hợp để cùng vun vén hạnh phúc gia đình?
“E ngại” cuộc sống hôn nhân
Nhiều bạn trẻ hiện nay chia sẻ luôn mong muốn tìm được “một nửa của mình” trước năm 30 tuổi. Tuy nhiên, khi “va chạm” nhiều với xã hội, chứng kiến những hình ảnh tiêu cực về cuộc sống gia đình, ngày càng nhiều bạn trẻ “e ngại” cuộc sống hôn nhân.
Không ít bạn trẻ đang tự hỏi trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, liệu bản thân đã đủ kiến thức, thời gian, kinh tế để lập gia đình trong điều kiện tốt nhất hay không? Liệu người bạn đời có phù hợp không?... Cuộc sống hôn nhân sẽ đối mặt với những thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần như thế nào?...
Chị Lê Thị Lan (27 tuổi, độc thân) đang làm công việc Thiết kế đồ họa tại Bắc Ninh chia sẻ, ở mỗi thời điểm, chị có suy nghĩ khác nhau về việc lập gia đình. Ở tuổi 20 - 24 tuổi, chị nghĩ rằng chỉ cần gặp được người mình yêu, chị sẵn sàng kết hôn, cùng nỗ lực làm việc, chăm lo cho bố mẹ ở quê và con cái. Tuy nhiên, sau đó ở tuổi 25 - 27 tuổi, suy nghĩ của chị đã có sự thay đổi.
“Hiện tại, tôi chọn cuộc sống độc thân, chưa muốn kết hôn. Không phải sợ hôn nhân, mà tôi không tự tin bản thân có thể tìm được một người 'tử tế'. Chứng kiến bạn bè, hàng xóm kết hôn rồi ly hôn, với nhiều cuộc cãi vã hay bị 'trầm cảm'... đã khiến tôi 'e ngại' bước vào cuộc sống hôn nhân. Thời điểm này tôi nghĩ như vậy, có thể trong tương lai, được truyền cảm hứng khác, gặp được người tin tưởng, có thể mọi chuyện thay đổi", chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Lương (23 tuổi, độc thân, ở Phú Thọ) cho hay, sau 25 tuổi, anh sẽ suy nghĩ về hôn nhân và gia đình. Hiện tại, anh chưa dám nghĩ đến và đang dồn toàn bộ sức lực, tâm trí xây dựng sự nghiệp.
“Với cá nhân tôi kết hôn không đáng sợ, điều đáng sợ là khi bước vào cuộc sống hôn nhân, người đàn ông không 'gánh' được sức nặng của gia đình. Là nam giới, tôi được bố mẹ đặt nhiều trách nhiệm, kỳ vọng tôi sẽ trở thành trụ cột vững chắc trong gia đình. Sau khi lập gia đình riêng, trách nhiệm làm chồng, làm cha... sẽ càng nặng nề hơn. Vì vậy, để tương lai có một cuộc hôn nhân bền vững, thời điểm hiện tại, tôi phải nỗ lực làm việc để có vốn liếng”, anh Lương trăn trở.
Với chị Ngô Thị Trang (29 tuổi, độc thân, ở Bắc Giang), chị từng mong muốn kết hôn và sinh con trước tuổi 30. Chị có một vài mối tình và hẹn hò với một số chàng trai, nhưng hiện tại vẫn "độc thân vui tính”. Chị cho biết, thu nhập của mình ổn định, nên mong muốn tìm được người bạn đời biết chia sẻ công việc gia đình và có năng lực tài chính ổn định.
Mặc dù thường xuyên bị gia đình thúc giục chuyện kết hôn, song chị không vì thế mà “tạm bợ”, chị nghĩ hiện tại “duyên số chưa đến”, chưa gặp đúng người. Chị cần thêm thời gian để tìm kiếm “một nửa của mình”, chị vẫn cẩn trọng tìm hiểu những người mới, nhưng luôn tâm niệm “kết hôn không đáng sợ, đáng sợ là lấy sai người”.
Lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục (Bộ Y tế) cho biết: Thực tế, Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 và đi vào cuộc sống hơn 16 năm, nhưng hiện nay “gánh nặng” trên vai của người phụ nữ, thiên chức làm vợ, làm mẹ vẫn nặng nề.
“Tôi trăn trở về câu khẩu hiệu 'người phụ nữ phải giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu như vậy thì không có sự vào cuộc của nam giới, cho nên người phụ nữ luôn ám ảnh suy nghĩ khi có chồng, có con thì sự nghiệp, sự dấn thân, sự hội nhập xã hội của họ bị gián đoạn”, Bác sĩ Phương chia sẻ.
Vị chuyên gia bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giúp những người phụ nữ “an tâm” trở lại công việc, trở lại “đường đua thăng tiến sự nghiệp” sau khi kết hôn và sinh con mà không có rào cản nào. Đặc biệt, các bạn trẻ cần được lắng nghe, trau dồi kiến thức ở nhiều góc độ khác nhau về vấn đề sinh học, xã hội, kinh tế, thiên chức làm vợ làm mẹ và hạnh phúc gia đình...
“Có gì trong tay” để kết hôn?
Thực tế, nhiều bạn trẻ cho rằng bản thân họ chỉ sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân khi bản thân có sự nghiệp, tài chính ổn định và có suy nghĩ đủ chín chắn để tìm được người bạn đời phù hợp. Cuộc hôn nhân chỉ trọn vẹn khi cả hai có trách nhiệm với người bạn đời, với cuộc hôn nhân của mình.
Chị Nguyễn Thị Hằng (25 tuổi, độc thân) đang làm dịch thuật tại Hà Nam cho biết, bản thân chị không ngại kết hôn, nhưng tiền đề là cả hai người phải đủ chín chắn, trưởng thành và có sự nghiệp vững chắc để cùng chăm lo cho gia đình.
“Tôi nghĩ nếu kết hôn trước 30 tuổi, sau đó sinh con cái và ổn định gia đình, sẽ tạo được bước đệm để sau 30 tuổi tập trung phấn đấu cho sự nghiệp. Nhiều bạn trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, trau dồi kinh nghiệm, thậm chí chuyển việc… khi bắt đầu ổn định, bắt đầu nghĩ đến chuyện kết hôn, nên cảm thấy tự ti vì chưa tích lũy được”, chị Hằng chia sẻ.
Theo chị Hằng, chị sẽ kết hôn và sinh con sau tuổi 30, sau khi có vốn tài chính ổn định, vốn sống và trải nghiệm phong phú. Khi đó, mỗi người đều có sự nghiệp ổn định, sẽ cùng nhau góp những “viên gạch” hoàn thiện tổ ấm thay vì tạo “gánh nặng” lên người vợ hoặc người chồng.
Với chị Lê Thị Thu Hà (23 tuổi, độc thân, ở Hà Nội), kết hôn là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời, nên việc kết hôn ở độ tuổi nào không quan trọng, quan trọng là gặp được người phù hợp sẽ sẵn sàng tiến tới hôn nhân.
“Tôi được biết, Nhà nước vận động kết hôn và sinh con đầu lòng trước 30 tuổi, điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người. Với tôi, khi bản thân đã có sự ổn định trong công việc và thu nhập, gặp được người phù hợp tôi sẵn sàng kết hôn và sinh con trước tuổi 30”, chị Hà cho biết.
Kết hôn và làm mẹ được gần 2 năm, chị Trần Thị Thu Hiền (25 tuổi, ở Hà Nội) đang làm quản lý cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội đồng cảm với những chia sẻ của các bạn trẻ. Chị cho rằng, nên lập gia đình trước 30 tuổi. Bởi độ tuổi này, hầu hết nam giới và phụ nữ đã có sự trưởng thành nhất định, có khả năng suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Họ đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có khả năng tự lập về kinh tế, có đủ khả năng để nuôi dạy con cái.
Trao đổi với Bác sĩ Mai Xuân Phương, ông hoàn toàn đồng cảm với những suy nghĩ của các bạn trẻ. Không thể không nhìn nhận một cách tích cực, các bạn nam nữ thanh niên hiện nay kết hôn muộn, trì hoãn việc kết hôn đều có lý do chính đáng. Trước tình hình kinh tế khó khăn, họ lo lắng về công việc, thu nhập cá nhân và bắt đầu cẩn trọng khi nghĩ về hôn nhân, về trách nhiệm bản thân và cân nhắc các điều kiện việc làm, thu nhập, kiến thức... trước khi quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh: “Trên thực tế, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm hoặc phạt những cặp vợ chồng kết hôn trước sau 30 hoặc là sinh con thứ hai sau 35. Tuy nhiên, cơ thể, sức khỏe con người có giới hạn, nếu vẫn giữ suy nghĩ khi đầy đủ mọi điều kiện mới kết hôn, sinh con, cuộc sống hôn nhân sau này sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Ở góc độ chuyên gia, tôi mạnh dạn chia sẻ, khích lệ động viên các bạn trẻ. Lời khuyên đầu tiên đã có văn bản quy phạm pháp luật đưa ra: Khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn trước tuổi 30 và sớm sinh con; phụ nữ nên sinh con thứ hai trước 35 tuổi và đứa con trước cách đưa con sau 5 năm. Mặt khác, không nên kết hôn muộn, nhưng cũng không nên kết hôn quá sớm và không nên sinh con quá dày”, Bác sĩ Phương chia sẻ.