Kết hôn ở tuổi 40 như Son Ye Jin và Hyun Bin
Đây là độ tuổi nhiều nước châu Á cho rằng quá lứa, dù với phụ nữ hay đàn ông. Tuy nhiên, những năm gần đây, không ít người kết hôn muộn vì sự chín chắn, có công việc, tài chính.
Ngày 10/2, Son Ye Jin và Hyun Bin, cặp sao hạng A quyền lực của giới giải trí Hàn Quốc, công bố chuyện kết hôn. Tờ DongA nhận định sau khi trở thành vợ chồng, họ có khối tài sản chung tương đương doanh nghiệp nhỏ với nhiều bất động sản giá trị.
Son Ye Jin và Hyun Bin cùng sinh năm 1982, vừa bước sang tuổi 40. Đây là độ tuổi nhiều nước châu Á cho rằng “quá lứa lỡ thì”, đặc biệt nhắm vào phụ nữ với một số cách gọi mỉa mai như “thặng nữ” (Trung Quốc) hay “bánh Giáng sinh ế” (Nhật Bản).
Tuy nhiên, những năm gần đây, không ít người xấp xỉ tuổi này mới lập gia đình khi đủ sự chín chắn, có công việc và tài chính ổn định.
Độ tuổi chín chắn
Ở Ấn Độ, phụ nữ trên 30 tuổi chưa lập gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn và lời chỉ trích gay gắt. Trong xã hội mà mọi người được kỳ vọng kết hôn ở tuổi đôi mươi, 40 tuổi và độc thân bị xem là sự nổi loạn.
Trong bài viết đăng trên Times of India, nữ tác giả (40 tuổi) cho biết khi còn trẻ, cô từ chối nhiều cuộc hôn nhân sắp đặt vì không muốn ràng buộc với một người mình không có tình cảm.
Cô hài lòng với sự nghiệp, gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, một số người liên tục chế giễu cô sẽ “ế” suốt đời bởi không ai muốn kết hôn với phụ nữ ở tuổi 40.
“Thứ nhất, tôi đã ‘già’ theo các chuẩn mực xã hội. Thứ hai, đồng hồ sinh học của tôi bị xem là cạn kiệt. Tuy nhiên, tôi không để ý đến những lời như vậy, cho dù có tổn thương thế nào đi nữa”, nữ tác giả nói.
Cuối năm 2020, cô nảy sinh tình cảm với hàng xóm mới chuyển đến. Anh 45 tuổi, đã ly hôn và có một đứa con. Hơn một năm quen biết nhau, họ quyết định tiến đến hôn nhân.
Gia đình nữ tác giả mất một khoảng thời gian để chấp nhận việc cô sẽ lấy người đã qua một lần đò. Nhiều người xung quanh thì tỏ ra bất ngờ vì cô không còn trẻ.
Cuộc hôn nhân của hai người hạnh phúc, mặc dù đôi khi, họ phải đối mặt với lời chế nhạo về việc kết hôn muộn hoặc “ế quá mới phải cưới người từng ly hôn vợ”. Vượt qua mọi lời đàm tiếu, họ chào đón con gái đầu lòng.
“Tôi tự hỏi ngày trước, nếu đầu hàng áp lực của xã hội và kết hôn với người mình không yêu, tôi liệu có cuộc sống như hiện tại? Dù có không ít trở ngại, ít nhất bây giờ, tôi thực sự hạnh phúc”, cô nói.
Theo báo cáo của công ty dịch vụ cưới hỏi WeddingWire (Mỹ) năm 2021, các cặp vợ chồng trên thế giới trung bình kết hôn ở tuổi 32 (12 năm trước là 27). Việc cưới sớm hay muộn hơn không phải là vấn đề.
Tiến sĩ tâm lý học Yvonne Thomas (Mỹ) cho biết tuổi tác đóng vai trò trong hôn nhân vì có thể tác động đến mức độ lành mạnh của mối quan hệ và tạo ra ưu, khuyết điểm nhất định cho đôi bên.
Cho dù kết hôn lần đầu hay hơn, tuổi 40 có thể là thời điểm thoải mái để lập gia đình, theo Thomas. Đây là độ tuổi con người vững vàng hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Họ có thể có tài chính ổn định với tài sản, tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư. Họ cũng có khả năng lập nên sự nghiệp vững chắc và thành công. Thêm vào đó, việc có nhiều bạn bè và hệ thống hỗ trợ giúp họ tự tin hơn khi bắt đầu mối quan hệ.
Tuy nhiên, so với những năm 20 hay 30 tuổi, việc kết hôn ở tuổi 40 có bất lợi là đôi bên có thể cứng nhắc và thiếu linh hoạt hơn.
“Theo năm tháng, mỗi người có thể trở nên cố chấp trong suy nghĩ và hành động. Do đó, vợ/chồng hoặc cả hai có thể cảm thấy khó khăn khi chung sống. Việc không thể cùng nhau tìm ra cách hòa hợp có thể gây ra căng thẳng, không hạnh phúc và/hoặc chia rẽ tình cảm”, Thomas nhận định.
Không vội kết hôn
Ở Trung Quốc, “khi mua được nhà, đàn ông dám kết hôn; còn phụ nữ dám sống độc thân”, theo Think China.
Li Miao (40 tuổi, đến từ Thượng Hải) từng 2 lần từ chối kết hôn vì “cảm thấy không đúng”. Trong số hai bạn trai từng ngỏ lời cầu hôn Li, một người chỉ muốn cô ở nhà nội trợ, người kia thì có thói trăng hoa.
Không yên tâm bước vào đời sống hôn nhân, Li trì hoãn việc lập gia đình. Bị nhiều người nói “kén cá chọn canh” nhưng cô không muốn phí thời gian cho người không xứng đáng.
Là giám đốc tại tập đoàn đa quốc gia, Li không lo lắng khi sống một mình và lên kế hoạch nghỉ hưu cùng bạn bè. Tuy nhiên, cô vẫn đi xem mắt với hy vọng tìm được một nửa của đời mình.
“Nếu không tìm được đối tượng phù hợp, tôi không ngại sống độc thân”, cô nói.
Năm 2019, số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy Trung Quốc có khoảng 685 triệu nữ giới, ít hơn nam giới khoảng 30 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên nữ bậc đại học lại cao hơn nam sinh.
Giáo sư Jean Yeung, trưởng khoa Xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng phụ nữ ngày càng độc lập kinh tế, học vấn cao thì việc chọn chồng lại càng khó khăn.
Li Miao đồng tình: “Ngoài 30, đàn ông vẫn có thể kiếm được bạn gái trẻ trung, hấp dẫn. Còn phụ nữ bị coi là ‘hết đát’ khi bước qua tuổi 25. Không chỉ vậy, nếu lấy người có điều kiện kém hơn, nữ giới sẽ bị xã hội đánh giá”.
Theo Omnia, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á phát triển khác như Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc) đang giảm. Ngày càng ít người kết hôn hoặc lập gia đình muộn hơn.
Năm 2020, Hyunjoon Park, Giáo sư Xã hội học của Quỹ Hàn Quốc, cùng đồng nghiệp nghiên cứu nguyên nhân tỷ lệ kết hôn ở xứ kim chi giảm, đặc biệt ở phụ nữ có trình độ học vấn cao và đàn ông có trình độ học vấn thấp.
“Ngày càng có nhiều phụ nữ lấy bằng đại học, trong khi nam giới không theo kịp. Ở xã hội có sự phân công lao động theo giới mạnh mẽ như Hàn Quốc, phụ nữ học vấn cao có xu hướng muốn bạn đời có trình độ ngang bằng hoặc hơn mình. Đối với phụ nữ tốt nghiệp đại học, chúng tôi thấy xác suất kết hôn ở tuổi 45 giảm gần 10 điểm phần trăm và chỉ một nửa số nam giới có trình độ học vấn thấp (không học trung học) kết hôn trước tuổi 45”, Park nói.
Với nhiều phụ nữ có học vấn cao, thay vì kết hôn với đàn ông có trình độ thấp hơn, họ lại trì hoãn việc kết hôn hoặc sống độc thân. Điều này gây ra hiệu ứng gợn sóng.
Giờ đây, đàn ông có trình độ học vấn thấp cũng có ít lựa chọn hơn trong thị trường hôn nhân. Tuy nhiên, Park nhận thấy nhóm này đang tìm ra cách để thu hẹp khoảng cách. Đó là kết hôn với phụ nữ nước ngoài, chủ yếu đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Philippines.
Park nói thêm nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao ở Hàn Quốc vẫn tìm thấy viễn cảnh hôn nhân đáng mơ ước, chỉ là họ không thể tìm được bạn đời mong muốn.
“Cuộc sống hôn nhân, gia đình đang trở thành điều xa xỉ ở Hàn Quốc và ngày càng chỉ dành cho những người có học thức cao, giàu có”, ông cho biết thêm.
Trong bài viết về thách thức hôn nhân với người Đông Á, biên tập viên Lin Suling của CNA nhận định không dễ dàng tìm được người phù hợp để gắn bó phần đời còn lại.
Tuy nhiên, cô mong mỏi một ngày, khi biết một người châu Á ở tuổi 40 kết hôn, đám đông cả ngoài đời lẫn trên mạng không còn thở phào nhẹ nhõm như thể vừa tránh được cơn sóng thần.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ket-hon-o-tuoi-40-nhu-son-ye-jin-va-hyun-bin-post1295837.html