Kết hợp Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với khắc phục hậu quả bão lụt
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm, với các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường (BVMT), phát triển bền vững. Tại Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng, từ nhiều năm các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã trở thành nền nếp.
Theo đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT): Để đạt kết quả cao trong hưởng ứng Chiến dịch năm 2024, Sở TN và MT bám sát chỉ đạo của Bộ TN và MT, của UBND tỉnh, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố phát động các phong trào hưởng ứng từ ngày 21/9/2024 đến 31/10/2024; ưu tiên hướng đến mục tiêu tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề môi trường nổi cộm tại địa phương.
Năm nay, tỉnh Nam Định đã kết hợp Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với công tác khắc phục hậu quả thiên tai do nhiều địa phương vừa chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3 và lũ lụt. Sau giai đoạn đỉnh điểm chống lũ lụt sau bão số 3, hiện nước đã rút ở đại đa số các địa phương nhưng ở một số vùng đê bối thuộc các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, thành phố Nam Định vẫn còn tình trạng nước mới rút ở các đường trục chính, còn lại các đường dong xóm, sân, vườn, ao, trường học, cánh đồng, một số nhà dân cốt đất thấp, nhà tạm nằm ở địa bàn trũng thấp vẫn đang bị ngập úng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quyết liệt triển khai các biện pháp tiêu úng, thoát nước và tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người dân, lên phương án phòng ngừa và khắc phục ngay những phát sinh dịch bệnh (nếu có). UBND các xã, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cách xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải trôi sau thiên tai một cách an toàn, đảm bảo VSMT. Qua đó, người dân các địa phương bị ngập lụt đã thực hiện phương án nước rút đến đâu tập trung nhân lực, vật lực thu dọn đồng ruộng, cày đất, tiếp tục chăm sóc, dặm tỉa cho các loại cây trồng còn lại có khả năng phục hồi, khắc phục tối đa thiệt hại; dọn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, xử lý môi trường ngay đến đó; thu gom và tiêu hủy rác, xác động vật chết trôi dạt từ sông vào; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (gồm tiêu độc, khử trùng, vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn...) để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Cũng trong những ngày này, các hoạt động khơi thông dòng chảy, làm sạch hệ thống cống rãnh và khử trùng nước sinh hoạt được đẩy mạnh tại các vùng trực tiếp bị ngập lụt. Công tác thu gom rác thải, phế liệu trôi nổi sau lũ được tiến hành khẩn trương để đảm bảo VSMT, phòng ngừa các nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Các đội thanh niên tình nguyện, lực lượng quân đội và người dân địa phương đã chung tay dọn dẹp rác thải, bùn đất, cây cối gãy đổ tại các khu dân cư, trường học, khu vực công cộng. Đặc biệt, bà con nhân dân tại các vùng ngập lụt cũng nhận được sự nhiệt tình chung sức hỗ trợ từ phía các tổ chức hội, đoàn thể thông qua các phong trào tự nguyện đến từng nhà dân quét dọn bùn đất, dọn dẹp nhà cửa, VSMT để phòng, chống dịch bệnh. Cùng trong chuỗi hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương rất tích cực, nhanh chóng trồng lại các cây xanh bị đổ; cắt tỉa cành, tán phù hợp để tận dụng tối đa trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định.
Song song với công tác khắc phục hậu quả bão lũ, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng thực tế, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 theo hướng thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng tới các cộng đồng địa phương.
Tại các xã, phường, thị trấn ít chịu tác động tiêu cực từ ngập lụt cũng đã đẩy mạnh các hoạt động VSMT, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đảm bảo đúng quy định; vận động, tuyên truyền giao nhiệm vụ cho từng hộ gia đình chịu trách nhiệm dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh trước, sau và xung quanh nhà ở, đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, không để hoặc treo rác, túi rác trước cửa nhà, đặc biệt đối với hộ gia đình sống ở mặt đường. Ngoài ra, các ngành, các địa phương trên toàn tỉnh cũng tích cực duy trì các phong trào BVMT đã xây dựng, thiết lập và hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua bao gồm các phong trào: “Chống rác thải nhựa”; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình; tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm, giảm phát thải, tận dụng, tái sử dụng các sản phẩm trước khi thải bỏ, trao đổi sản phẩm tái chế; làm sạch biển, khu vực ven bờ bằng các hoạt động thiết thực như thu gom rác các loại vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định và bàn giao khu vực đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Tiêu biểu như phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai sâu rộng từ năm 2019 đến nay với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như Chiến dịch truyền thông mang tên “Sông sạch, Biển xanh”, “Biến rác thành tiền” hay quản lý rác theo “giải pháp 3T” đã góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng nhựa, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong việc BVMT và gìn giữ đại dương xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập tại 100% cơ sở Hội với 335 mô hình ở 5/9 huyện, thu hút 15.317 thành viên tham gia. Chiến dịch truyền thông mang tên “Sông sạch, Biển xanh” được duy trì xuyên suốt từ năm 2019 đến nay khi tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) triển khai các dự án liên quan đến việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, qua đó đã góp phần tích cực kêu gọi cộng đồng cùng nhau giảm thiểu rác thải nhựa...
Từ ngày 21/9/2024 đến 31/10/2024, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về các quy định pháp luật, các biện pháp BVMT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là quy định bắt buộc trong việc phân loại rác thải tại nguồn chậm nhất là ngày 31/12/2024; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường và chất lượng môi trường sống trong xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác BVMT và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức các hoạt động BVMT, giảm thiểu rác thải nhựa tới cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Thời gian tới, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý và hướng dẫn của cơ quan cấp trên, các sở, ban, ngành, các địa phương sẽ tích cực thực hiện các nhiệm vụ BVMT trọng tâm, gồm: Tham mưu triển khai, lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Có các biện pháp giảm thiểu chất thải, rác thải; xây dựng và bàn giao các công trình BVMT phục vụ lợi ích của cộng đồng như công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung, công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích xã hội hóa trong công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý, khai thác, sử dụng khôn khéo tài nguyên biển; nhất là các hoạt động BVMT do người dân và cộng đồng khởi xướng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên Nước, Luật Đất đai; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật BVMT trên địa bàn quản lý.