Kết hợp chung - riêng trong quản lý tư tưởng
Buổi sinh nhật đồng đội tháng 3-2023 ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) diễn ra sôi nổi, vui tươi, ấm áp nghĩa tình.
Trong hơn 60 phút, nhiều hoạt động vui nhộn như: Cắt bánh, thổi nến, tặng quà, phát biểu cảm tưởng, văn nghệ, trò chơi dân gian... được cả đơn vị tham gia với tinh thần “Chia sẻ niềm vui, nhân đôi hạnh phúc”. Chiến sĩ Huỳnh Thanh Nhân, thuộc Trung đội 7, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 7), chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được tham gia buổi sinh nhật đồng đội rất vui và ý nghĩa. Đây sẽ là kỷ niệm sâu sắc, khó quên trong suốt cuộc đời của mỗi chiến sĩ chúng tôi”.
Với khẩu hiệu “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em”, “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu”, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Trung đoàn 31 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho chiến sĩ mới, và việc tổ chức các hoạt động bổ trợ được coi là một trong những biện pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong tập thể quân nhân.
Ngay từ khi có kế hoạch huấn luyện chiến sĩ mới, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã chỉ đạo tập huấn kỹ năng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, tập trung vào nội dung nắm hồ sơ, lấy trích ngang, phân loại những trường hợp đặc biệt, cá biệt; biện pháp quản lý tư tưởng, tâm trạng bộ đội...; chỉ đạo tổ chức sinh nhật tập thể, giải trí thao trường, hoạt động vui chơi ngày nghỉ, giờ nghỉ...
Thượng úy Nguyễn Văn Đệ, Chính trị viên Đại đội 1 (Tiểu đoàn 7) cho biết: “Qua nắm lý lịch sơ bộ và phiếu tự thuật, chúng tôi biết được ngày, tháng, năm sinh; sở trường, hoàn cảnh, mối quan hệ của chiến sĩ để tiện cho việc quản lý tư tưởng, kỷ luật và tổ chức sinh nhật từng tháng tạo sự gắn kết trong đơn vị”.
Cùng với tổ chức các hoạt động chung để nắm bắt tư tưởng, đội ngũ cán bộ Trung đoàn 31 còn quan tâm, giúp đỡ những chiến sĩ có hoàn cảnh đặc thù, như: Đã có vợ, con; mồ côi sớm; bố mẹ ly hôn hoặc bị bệnh hiểm nghèo... Điển hình như trường hợp đồng chí Đặng Ngọc An, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9). Bố mẹ mất sớm, từ nhỏ, An ở với bà nội và cô út. Thiếu thốn tình cảm nên An ít nói, ngại tiếp xúc với đồng đội, tâm trạng thường không vui, thiếu tập trung trong công việc.
Qua tìm hiểu thông tin, xác định đây là trường hợp dễ dao động tư tưởng, đơn vị đã phối hợp với địa phương và gia đình để động viên An, đề nghị địa phương quan tâm đến công tác chính sách hậu phương Quân đội. Chỉ huy đại đội phân công cán bộ thường xuyên gần gũi, động viên, định hướng tư tưởng kịp thời; giúp đỡ An trong học tập, rèn luyện và cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, sau hơn hai tháng nhập ngũ, An đã yên tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, tích cực, cố gắng học tập, công tác tốt.
Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Tài, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 31: Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiến hành công tác tư tưởng bằng nhiều hình thức, biện pháp hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa hoạt động chung và gặp gỡ riêng để nắm, định hướng tư tưởng cho mọi quân nhân, nhất là đối tượng chiến sĩ mới, giúp anh em yên tâm học tập, công tác, cống hiến xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.