Kết hợp nuôi tôm và sản xuất điện mặt trời: Mô hình lợi ích kép
Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, đồng bằng sông Cửu Long vừa là vùng sản xuất thủy sản lớn của cả nước lại vừa là nơi có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh những nhà máy điện mặt trời với công suất lớn, nhiều hộ nông dân đã tự đầu tư và phát triển điện mặt trời ở chính những trang trại tôm của họ, vừa đảm bảo nguồn cung điện ổn định, vừa phát triển kinh tế.
Ông Lâm Minh Lớn, ngụ tại xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng phải chi trả khoảng 17 -18 triệu tiền điện mỗi tháng để vận hành ao tôm rộng khoảng 2.000 m2 . Vài tháng nay, sau khi đầu tư 400 triệu lắp điện mặt trời áp mái, ông Lớn tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. “Tôi tính khoảng 5 năm nữa, tôi sẽ thu hồi lại vốn đầu tư vào các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong khi đó, hợp đồng ký với bên điện lực kéo dài 20 năm” - ông Lớn hồ hởi chỉ cho chúng tôi 34 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà.
Ông Nguyễn Minh Lớn là người thứ hai trong Hợp tác xã nông ngư 14/10 lắp điện mặt trời. Trước đó, ông Ngô Công Luận, Giám đốc hợp tác xã đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời khi có Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) hỗ trợ. Mỗi tháng, nhà ông sản xuất được 25 kWh điện, thu về khoảng 5,7 triệu đồng.
Tiết kiệm điện trong nuôi tôm vẫn luôn là một vấn đề đau đầu đối với ngành điện. Theo nghiên cứu, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ 4.172 kWh điện. Với năng suất 40 tấn tôm một năm, tính riêng ruộng tôm nhà ông Luận tiêu tốn gần 167.000 kWh điện. Ông Luận cho biết, sau khi thấy mô hình lắp điện mặt trời giúp giảm thiểu chi phí, sắp tới, ông muốn lắp đặt thêm các tấm pin năng lượng mặt trời để có thể tận dụng lợi thế nắng gió tại đây và giảm thiểu chi phí sản xuất.
Ông Lớn và ông Luận không phải là trường hợp cá biệt khi kết hợp mô hình nuôi tôm và sản xuất năng lượng điện mặt trời. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh phía Nam - nơi có số giờ nắng trong năm dao động từ 2.000 - 2.600 giờ - mô hình “nhà máy điện mặt trời nhỏ” được người nông dân ứng dụng do mang lại hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo được nguồn cung điện ổn định.
Sử dụng điện mặt trời để nuôi tôm xuất khẩu
Công ty TNHH Một thành viên Long Mạnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, là một trang trại nuôi tôm rộng 4ha, ước tính sản lượng tôm hằng năm đạt khoảng 75-80 tấn, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Anh Long Văn Nghĩa - Chủ công ty cho biết, vì sản phẩm của anh chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, vì vậy, anh buộc phải chú ý đến các tiêu chí xuất khẩu, trong đó có các tiêu chí về môi trường.
“Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí rất quan trọng để đạt được chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề môi trường” - anh Nghĩa cho biết.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng xuất khẩu của ngành hàng này. Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được dự báo sẽ là đòn bẩy đối với xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, EU cũng là một thị trường vô cùng khó tính khi luôn yêu cầu các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, các bộ tiêu chuẩn phổ biến như ASC, GlobalGAP, FOS,... đều yêu cầu tiêu chí về “trách nhiệm xã hội”. Vì vậy, đối với các trang trại thủy hải sản, việc đảm bảo các yếu tố về môi trường, trong đó ưu tiên sử dụng năng lượng sạch chính là lợi ích kinh tế sát sườn.
Mô hình kinh tế tối ưu
Khác với mô hình điện mặt trời áp mái như ông Lớn và ông Luận, những tấm pin mặt trời của Công ty Long Mạnh được lắp đặt ngay trên những cánh đồng tôm. Pin được lắp trên những ao nước để nuôi tôm. Đây là phương pháp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích.
“Điện mặt trời trên trang trại tôm có nhiều ý nghĩa quan trọng: đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đồng thời, đây cũng là nguồn điện sạch được sản xuất tại những ao lắng đang bỏ không. Ao nước rất sạch khi được áp mái pin mặt trời, sử dụng cho ao tôm rất an toàn” - anh Nghĩa nhận xét về mô hình này.
Trong trường hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái như nhà ông Luận, diện tích bề mặt được sử dụng để lắp pin mặt trời chưa đến 100m2. Trong khi đó, mặc dù trang trại của ông rộng 5ha nhưng chỉ có 5.600m2 được dùng để nuôi tôm, xấp xỉ 1/10 diện tích đất. Phần còn lại, ông dành để nuôi nước cho tôm.
Anh Nghĩa đã tận dụng được phần diện tích nuôi nước để sản xuất điện mặt trời. Từ mô hình thử nghiệm 25 kWh, anh Nghĩa đã mạnh tay lắp đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời với công xuất 2MW. Mỗi năm, bên cạnh 20 tỷ doanh thu từ tôm, anh Nghĩa thu về thêm 7 tỷ từ tiền bán điện mặt trời. Đầu tư 32 tỷ đồng vào những tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chỉ mất 6 năm, anh Nghĩa đã có thể hoàn vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mô hình sản xuất sạch, mang lại hiệu quả cao cần nhân rộng. Thực tế, nhiều hộ gia đình sau khi thử nghiệm đã có ý định mở rộng quy mô sản xuất.