Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh
Trong những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ cán bộ chiến sĩ (CBCS) và nhân dân. Đặc biệt trong khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao, Bệnh viện đã kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám, điều trị bệnh, đạt được nhiều thành tựu, đem lại niềm tin cho bệnh nhân.
Sau Tết, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện có từ 500- 700 lượt bệnh nhân tới khám, khoảng 50 người có chỉ định nhập viện. Đặc biệt, bệnh viện thu hút nhiều người bệnh tới điều trị ngoại trú bằng phương pháp không dùng thuốc. TS.BS Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, thời gian gần đây bệnh nhân điều trị ngoại trú tăng lên, trung bình mỗi ngày có 50-60 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú, vào thời gian cao điểm tăng lên 80-90 lượt.
Chia sẻ về phương pháp điều trị ngoại trú không dùng thuốc, TS Thu cho biết, điều trị không dùng thuốc gồm có: Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, điện xung, dùng đèn tần phổi, chiếu tia hồng ngoại, giác hơi, cứu ngải… Ngoài châm cứu, bệnh viện đã kết hợp các biện pháp để điều trị các bệnh: Cơ xương khớp, đau đầu, rối loạn tiền đình, đau vai gáy, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm quan khớp vai, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, liệt dây thần kinh 7 ngoại biên, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, di chứng đau sau Zona, suy nhược thần kinh mất ngủ, ra mồ hôi tay, chân… Đặc biệt, với bệnh viêm dạ dày, trào ngược thực quản, bệnh viện đã kết hợp châm cứu, dùng thuốc đông y mang lại hiệu quả cao. Nhiều bệnh nhân bị viêm dạ dày trào ngược đã điều trị bằng tây y, khi đến đây sử dụng biện pháp châm cứu và thuốc đông y đã khỏi bệnh.
Theo TS Thu, mũi nhọn của khoa hiện nay là điều trị viêm tắc tuyến sữa và áp xe vú bằng biện pháp châm cứu, kết hợp dùng thuốc đông y. Phương pháp này đã đạt giải Ba tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ khu vực Hà Nội với đề tài “Cải tiến dụng cụ cứu ngải trong điều trị bệnh tắc tia sữa” và đạt giải Nhì cấp Viện. Ưu điểm là không gây bỏng rát cho bệnh nhân, không cần sử dụng kháng sinh, không cần ngừng cho con bú, không phải trích rạch làm mất thẩm mỹ và chữa bệnh khỏi nhanh và dứt điểm. Ngoài phát triển thế mạnh các mặt bệnh đã nêu trên, trong tương lai, Khoa mở rộng thêm các hoạt động khám và điều trị tại nhà. Nếu bệnh nhân có nhu cầu, bác sĩ sẽ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa.
Với thế mạnh về châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an không ngừng đổi mới phong cách phục vụ người bệnh, tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại trong điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhàn (75 tuổi, Hà Nội) đang điều trị tại Khoa Châm cứu và Phục hồi chức năng cho biết: “Tôi bị ngã lún xương sống, nhập viện trong tình trạng không đi được, các con tôi xác định mẹ có thể bị liệt. Vào đây điều trị bằng uống thuốc đông y kết hợp với vật lý trị liệu, 2 tuần tôi đã đi được. Đến nay sau 1 tháng điều trị, tôi đi lại bình thường, thấy người khỏe ra”.
ThS.BS Lương Thị Dung, Phó trưởng Khoa Châm cứu và Phục hồi chức năng cho biết, mỗi ngày khoa có gần 200 lượt bệnh nhân đến điều trị và làm vật lý trị liệu các mặt bệnh về tổn thương thần kinh trung ương, phục hồi chức năng bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, liệt tủy, thần kinh ngoại biên, bệnh lý thoát vị đĩa đệm, cột sống. Bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại như siêu âm sóng ngắn, điện xung, kéo giãn, oxy cao áp…
Là bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện đầu ngành về y học cổ truyền trong Y tế CAND, trước nhu cầu chăm sóc theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an không ngừng đầu tư nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị. Mô hình bệnh viện đa khoa y học cổ truyền, khám và điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đã được ứng dụng rất thành công. Tới Khoa Điều trị tích cực, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nơi đây được trang bị và đầu tư buồng hồi sức cấp cứu hiện đại. Tại đây trung bình có 12-15 bệnh nhân nặng điều trị và người bệnh từ các nơi khác chuyển về như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... Các bác sĩ đã kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị cho người bệnh bị đột quỵ não rất hiệu quả.
“Ngoài điều trị tây y như các bệnh viện lớn, chúng tôi còn kết hợp với các bài thuốc đông y như châm cứu, tập phục hồi chức năng sớm, nên các bệnh nhân bị đột quỵ não hồi phục nhanh hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng đưa đến viện vào giờ vàng đã được chúng tôi cứu sống”, BSCKI Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết.
Theo BS Bình, một số kỹ thuật khó đã được ứng dụng thành công tại Khoa Điều trị tích cực như: Thở máy, can thiệp đặt nội khí quản, mở khí quản, nội soi phế quản. Khoa tiếp nhận và điều trị, cứu sống cho nhiều ca bệnh nặng như: Sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, suy tim…
Mới đây nhất, Khoa đã cấp cứu ban đầu thành công ca ngộ độc thuốc lá điện tử có hoạt chất ma túy thế hệ mới. Nữ bệnh nhân được đưa tới viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, suy hô hấp, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy cho nữ bệnh nhân, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Đại tá BSCKII Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, được sự giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công an, cũng như sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn Hà Nội, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phát triển bệnh viện theo từng giai đoạn với phương châm hiện đại hóa y học cổ truyền, kết hợp hài hòa y học cổ truyền và y học hiện đại trong tất cả cáckhâu như: Thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Hiện nay, bệnh viện có quy mô 20 khoa phòng với 400 giường bệnh nội trú, hơn 200 bác sĩ; được đầu tư hệ thống máy móc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng hiện đại, hỗ trợ tích cực cho công tác khám, chẩn đoán bệnh. Đặc biệt, bệnh viện đầu tư 2 khu phẫu thuật có hệ thống mổ nội soi hiện đại.
Ngoài ra, bệnh viện còn hiện đại trong sản xuất, bào chế thuốc. Năm 2022, bệnh viện đã hoàn thiện khu sản xuất bào chế thuốc đông dược đạt tiêu chuẩn GMP, từ đó tạo ra được các sản phẩm thuốc ổn định và chất lượng, dễ bảo quản và dễ sử dụng. Bên cạnh đó, bệnh viện còn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu trong nước, ngoài nước, hợp tác giao lưu học thuật, hội chẩn với các bệnh viện lớn trên địa bàn, tham dự các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Bệnh viện luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, từ sản phẩm của các công trình nghiên cứu, đã góp phần tạo ra các sản phẩm thuốc có tính ứng dụng và hiệu quả cao, bổ sung vào phác đồ điều trị của bệnh viện. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, trong thời gian xa hơn, bệnh viện sẽ thành lập những trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm điều trị đột quỵ, trong đó ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến của y học cổ truyền và y học hiện đại để cứu chữa người bệnh.