Kết luận ca nô lật ở Cù Lao Chàm do 'sóng đánh'
Cơ quan điều tra cho biết 3 thuyền viên và 12 hành khách đều khai sóng lớn đập vào mạn trái gây vỡ ca nô, nước tràn vào làm lật úp.
Kết luận ban đầu về vụ lật ca nô chở du khách làm 17 người tử vong được Thượng tá Võ Văn Minh, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nêu trong cuộc họp báo chiều 1/3, ba ngày sau sự cố.
Theo ông Minh, người được lấy lời khai nói ca nô trước khi ra vào bến đã được biên phòng kiểm soát chặt chẽ. Ca nô và thuyền trưởng có đầy đủ giấy tờ hoạt động. Cơ quan điều tra đang thu thập các thiết bị trên ca nô và phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra các bước tiếp theo để có kết luận chính thức.
Trước ý kiến cho rằng trước thời điểm ca nô lật, biển Cửa Đại sóng lớn, gió mạnh nhưng các phương tiện không bị cấm hoạt động, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, nói việc cấp phép căn cứ dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh. "Theo dự báo thời tiết, ngày 25-26/2 tại biển Hội An có gió đông bắc có cường độ 2-3m/s. Với cường độ này thì gió nhẹ, không ảnh hưởng tàu thuyền trên biển. Ở mức 8-10 m/s mới gọi là biển động nhẹ", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay sau tai nạn vẫn tiếp tục tổ chức đưa khách ra đảo bằng ca nô. Thành phố sẽ họp với Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm chấn chỉnh tất cả vấn đề liên quan như lái tàu chạy nhanh, lạng lách.... Những trường hợp không bảo đảm phải thay thế.
"Hội An sẽ tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị sử dụng ca nô như thế nào cho phù hợp", ông nói và tái khẳng định 15 năm qua chưa có tai nạn chết người nào khi sử dụng ca nô tiêu chuẩn SI ra Cù Lao Chàm, dù từng xảy ra "chìm thuyền, lật ca nô". Theo ông, khi ca nô không kín, người gặp nạn mang ao phao sẽ nổi lên và được cứu. Với ca nô kín, nếu cứu hộ không thành công, khả năng tử vong cao.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói số người thương vong quá lớn, cần "rút ra bài học xương máu từ mất mát này". Ông đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân tai nạn để có hướng xử lý điều chỉnh, có biện pháp phù hợp.
"Việc cải hoán SI sang SB, dù là đạt chuẩn SB nhưng cứu hộ gặp khó khăn khi xảy ra sự cố. Sắp tới làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm nên xem xét đánh giá loại tàu này phù hợp với thực tiễn từng địa phương, địa bàn không", ông nói.
Theo ông, các tàu này áp dụng đúng quy chuẩn của đăng kiểm nhưng có sử dụng tiếp hay không cần chờ cơ quan chức năng ra quyết định, còn hiện tại Quảng Nam vẫn sử dụng đưa khách ra Cù Lao Chàm.
Đề cập việc chưa có cơ quan nào giám sát tốc độ ca nô trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, ông Thanh cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng có báo cáo. "Tôi với trách nhiệm là người đứng đầu UBND tỉnh cũng có một phần trách nhiệm trong công tác quản lý tất cả hoạt động trên địa bàn", ông nói và cam đoan trong thời gian tới cùng tập thể UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với các cấp, ngành để không xảy ra các sai phạm, đặc biệt là tình huống dẫn đến chết người.
Khoảng 14 giờ ngày 26/2, ca nô Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái ca nô, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, ca nô lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống.
Chủ tịch UBND TP Hội An đánh giá đây là vụ chìm ca nô làm nhiều người tử nạn nhất từ trước đến nay ở biển Cửa Đại. Khu vực này có cồn cát, từng xảy ra nhiều vụ chìm tàu và ca nô nhưng rất ít người chết.
Nguyên nhân tai nạn đang được điều tra. Từ góc độ lái ca nô, thuyền trưởng Lê Văn Sen, 52 tuổi, cho rằng nguyên nhân do "bị sóng đánh lật úp".
Một số lái tàu giàu kinh nghiệm, nạn nhân thoát chết và lãnh đạo Hội An nhận định số người chết cao do ca nô đóng kín theo tiêu chuẩn SB, thiếu chỗ thoát hiểm.
Theo VnEpxpress