Kết luận, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 11-12-2021, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Văn Danh đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua và có những kết luận, chỉ đạo quan trọng.

ABO xin giới thiệu Thông báo kết luận, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp.

Qua dự thảo báo cáo và nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí đã cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, địa bàn các huyện, thành, thị và cơ sở có sự tập trung rất cao, rất quyết liệt, đặc biệt là sau thời gian chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta cơ bản đang được kiểm soát, các chuỗi ca bệnh đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý, nhưng vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là số ca nhiễm mới hằng ngày còn nhiều (ở mức 4 con số) và nguy cơ lây nhiễm rất cao, rất khó kiểm soát; số ca chuyển nặng, tử vong vẫn cứ diễn biến phức tạp (bình quân mỗi ngày có trên 10 ca tử vong).

Có 4 nguyên nhân chủ yếu sau: Không ít nơi (nhất là cấp cơ sở) và nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, ỷ lại vào việc đã tiêm đủ liều vắc xin. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt các biện pháp y tế, chưa có sự huy động, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng tham gia vận động, truy vết, theo dõi F0 điều trị tại nhà, chưa thực hiện và phát huy “4 tại chỗ”. Năng lực y tế dự phòng chưa phát huy cao, các trạm y tế cơ sở thiếu nhân lực và nhiều nơi thiếu quan tâm thăm hỏi, chăm sóc, hướng dẫn người mới nhiễm bệnh, người bị F0 cách ly tại nhà, tại cơ sở điều trị tập trung tuyến xã. Ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có người nhiễm bệnh thông tin cho địa phương, cho ngành Y tế để được hướng dẫn, theo dõi, quản lý và truy vết chưa cao, chưa kịp thời (đáng lưu ý là ở các khu, cụm công nghiệp).

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HẠNH NGA

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HẠNH NGA

Từ những phân tích, đánh giá và từ tình hình thực tế từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi đề nghị các đồng chí với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm cao nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó cần lưu ý mấy việc:

Thứ nhất: Về chuyên môn, ngành Y tế phải tăng cường năng lực chuyên môn của cả hệ thống y tế các cấp để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, cấp thuốc và hướng dẫn kịp thời việc sử dụng túi thuốc y tế phục vụ điều trị F0 tại nhà, đặc biệt là thuốc đặc trị Covid-19; đồng thời, quan tâm chăm sóc tận tình người bị nhiễm bệnh, người bị F0 đang cách ly tại nhà và tại cơ sở điều trị tập trung tuyến xã (người bị F0 qua xét nghiệm PCR và test nhanh dương tính đều phải được coi trọng việc theo dõi, chăm sóc, điều trị như nhau).

Phải chủ động, linh hoạt điều động đội ngũ y, bác sĩ nơi đã kiểm soát được dịch bệnh, nơi có ít F0 bổ sung cho nơi có số ca mắc tăng, có nhiều F0 điều trị tại nhà. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, nắm chắc tình hình người nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại cơ sở điều trị tuyến xã để chi viện nhân lực, vật lực hỗ trợ điều trị người nhiễm bệnh kịp thời. Sắp xếp, phân bổ, điều tiết hợp lý cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y tế ở các bệnh viện đa khoa khu vực, cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã đảm bảo phục vụ cho công tác cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19.

Chỉ đạo các trạm y tế cấp xã kể cả trạm y tế lưu động của xã, liên xã chịu trách nhiệm chính về công tác chuyên môn; phải thường xuyên thăm hỏi, hướng dẫn người mới nhiễm bệnh, người đang cách ly tại nhà cách chăm sóc sức khỏe và việc sử dụng thuốc gắn với khuyến cáo người dân không sử dụng các toa thuốc không rõ nguốn gốc, không có hướng dẫn cụ thể của ngành chuyên môn trong điều trị bệnh Covid-19.

Phải triển khai phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo 5 nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” và 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi (chậm nhất ngày 31-12-2021); tiêm xong, đủ cho trẻ từ 12 - 18 tuổi (chậm nhất ngày 31-1-2022); khẩn trương tiêm mũi 3 cho tất cả các đối tượng, ưu tiên cho tuyến đầu, người 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; nghiên cứu, tham khảo việc tiêm cho trẻ 5 - 12 tuổi để thực hiện xong đến hết quí I-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ.

Thứ hai: Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở và các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng trong công tác thông tin, tuyên truyền về nâng cao ý thức, nhận thức của người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch (nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh, để người dân tự giữ gìn sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; đây là yếu tố, là nhân tố có tính quyết định trong phòng, chống dịch).

Vận động thuyết phục người nhiễm bệnh hiểu và chấp hành chủ trương cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị tuyến xã là có quy định, có điều kiện cụ thể; không vì mục đích giảm chi phí, giảm tải cho cơ sở cách ly, điều trị tuyến trên mà không xem xét một cách cụ thể; những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà vẫn phải áp dụng đưa vào cơ sở cách ly tập trung (phải vận động, thuyết phục, nói rõ yêu cầu để người bị nhiễm bệnh hiểu và thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế).

Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo phân cấp quản lý) phải yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các cam kết về việc theo dõi, phát hiện F0 thông qua test sàng lọc và thông báo cho chính quyền địa phương, cơ sở hoặc tổ y tế đối với doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để theo dõi và quản lý F0, tránh lây lan trong cộng đồng.

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng quy định và cam kết. Đối với người dân phải chấp hành quy định 5K, tuân thủ và khai báo khi bị nhiễm và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế (các đoàn thể cấp tỉnh có kế hoạch chỉ đạo cho các đoàn thể cấp huyện trong tham gia vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên của giới mình thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch).

Hiện nay, ở xã Tân Hương của huyện Châu Thành F0 tăng rất cao (theo phản ảnh của người dân có trên 2.000 ca F0, chứ không phải có mấy trăm ca F0 như huyện báo cáo), do số F0 từ Khu công nghiệp Tân Hương bị nhiễm, doanh nghiệp cho nghỉ mà không thông báo cho địa phương; những F0 này phần lớn về địa phương không khai báo, về ở nhà, kể cả đi chợ, tổ chức uống rượu, số thì về ở các nhà trọ cũng không khai báo.

Vấn đề này thực hư ra sao, Ban Quản lý các khu công nghiệp cùng Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành cần có chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ, có giải pháp xử lý ngay (xem lại trách nhiệm lãnh đạo của Khu công nghiệp Tân Hương vì sao lại có thực trạng này). Sở Y tế cần xem xét tăng cường nguồn lực về y tế để đảm bảo đủ sức thực hiện tốt công tác chuyên môn trong việc theo dõi, điều trị cho người bị nhiễm bệnh tại cở sở này.

Thứ ba: Các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cấp trên giám sát cấp dưới để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cơ sở điều trị tuyến xã. Chỉ đạo ngành Y tế tổng hợp đầy đủ, chính xác và thống nhất số liệu thực tế ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, làm cơ sở để quản lý, theo dõi, giám sát, chăm sóc, điều trị F0 và truy vết (tất cả F0 qua xét nghiệm PCR và qua test nhanh dương tính đều phải được tổng hợp đầy đủ; hiện hai con số này đã lên đến 43.6700 ca, trong đó số test nhanh dương tính là 16.442 ca).

Huy động các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng tham gia vận động, truy vết, theo dõi, giám sát các trường hợp F0 điều trị tại nhà và việc khai báo y tế của những người từ vùng dịch trở về; đồng thời, có biện pháp xử lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, tại cơ sở điều trị tập trung tuyến xã tự ý rời khỏi nhà, rời khỏi nơi cách ly, nơi cư trú.

Thứ tư: Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường vai trò trách nhiệm trong việc quản lý doanh nghiệp, thông tin kịp thời về số F0 thông qua sàng lọc tại doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở trong công tác theo dõi, quản lý, chăm sóc, cách ly, điều trị công nhân, người lao động trong doanh nghiệp bị nhiễm bệnh. Yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định, cam kết về phòng, chống dịch; phải quan tâm chăm sóc, hỗ trợ F0 trong thời gian cách ly, điều trị và chịu trách nhiệm khi thực hiện không đúng quy định, không đúng cam kết để công nhân, người lao động làm lây lan dịch bệnh trong doanh nghiệp và trong cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong công nhân, người lao động, tuân thủ khai báo khi có trường hợp bị nhiễm bệnh.

Thứ năm: Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cơ sở điều trị tập trung của xã, phường, thị trấn đúng quy trình, quy định; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 35-TB/BCĐ ngày 6-12-2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Thứ sáu: Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân. Cân đối nguồn lực, tăng cường y tế cho tuyến cơ sở, y tế dự phòng cho các địa phương. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát thực hiện tốt an sinh xã hội, thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cơ sở điều trị tuyến xã.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp phản ánh của người dân; đồng thời, xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở lơ là, buông lỏng trong quản lý để các ca F0 đang cách ly (cả tập trung và tại nhà) tự ý rời khỏi nơi cách ly làm lây lan dịch bệnh, các cơ quan y tế thiếu quan tâm chăm sóc, điều trị để các ca F0 trở nặng hoặc chuyển tuyến không kịp thời.

Chỉ đạo các ngành chuyên môn cập nhật thường xuyên, báo cáo kịp thời các ca nhiễm covid-19 tử vong tại nhà, trong đó có phân tích rõ nguyên nhân tử vong do trách nhiệm của địa phương hay do người dân không khai báo kịp thời để có biện pháp xem xét, xử lý.

Vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao phải kiểm soát, kéo giảm cho được dịch bệnh đang tăng cao, nhất là ở trong cộng đồng; không thể để tình trạng nầy kéo dài, không thể để số F0 cứ hằng ngày tăng lên, người bị nhiễm nặng, người tử vong tăng cao. Tôi rất hiểu cũng như các đồng chí đều hiểu, chúng ta đã quá gian khổ, quá vất vả, nhân dân tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dài phòng, chống dịch. Nhiều người dân đã mất, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm bệnh trong khi làm nhiệm vụ. Nhưng chúng ta không thể chùng bước, không thể cho rằng do “thích ứng”, “miễn dịch cộng đồng” mà để F0 gia tăng; phải bằng mọi giải pháp, bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của người dân ra sức chống dịch, kéo giảm F0, kéo giảm ca tử vong thì mới thật sự chuyển sang được trạng thái bình thường mới đúng nghĩa, mới thực hiện được “mục tiêu kép” có hiệu quả.

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/ket-luan-chi-dao-cua-dong-chi-nguyen-van-danh-bi-thu-tinh-uy-tien-giang-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-940399/