Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình

Ngày 10 tháng 9 năm 2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Sau khi nghe báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt ổ dịch tại xóm 9, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn đã được khống chế, tình hình dịch trên địa bàn huyện Kim Sơn đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh là rất cao do tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong nước còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, một số tỉnh phía Nam, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa,….

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và nhân dân với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, với phương châm "5K + vắc xin" và "4 tại chỗ", kiên trì thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; huy động cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng chung sức đồng lòng phòng, chống dịch. Thực hiện tốt quan điểm xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch.

2. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương, từng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, sâu sát, cụ thể.

Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt phải phát huy cao độ vai trò của hệ thống giám sát y tế cơ sở, lực lượng công an xã, tổ COVID-19 cộng đồng, nhất là quần chúng nhân dân trong việc phát hiện và thông tin kịp thời những người từ nơi khác trở về địa bàn, người nhập cảnh trái phép, những hành vi không chấp hành các quy định về cách ly, khai báo và các quy định khác trong phòng, chống dịch.

Xử lý nghiêm tổ chức, người đứng đầu tổ chức, các cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh do lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu khẩn trương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không thực hiện yêu cầu 5K dẫn đến làm lây lan dịch bệnh.

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai trên địa bàn để phát hiện những thiếu sót, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn của địa phương, cơ sở.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp, ngắn, gọn, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban Tuyên giáo các cấp để người dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người, tự giác bảo vệ cho bản thân, cho gia đình, góp phần bảo vệ cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.

Tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khai báo y tế, Khoảng cách, Không tụ tập đông người), thông điệp 5T (Tuân thủ nghiêm 5K; Thực phẩm đủ tại nhà; Thầy, thuốc đến tận gia; Test COVID tất cả; Tiêm chủng tại xã/phường). Khuyến khích người dân phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, mất vị giác… phải liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và hỗ trợ kịp thời.

5. Tổ chức quán triệt, tập huấn đến tận thôn, xóm, phố để các đồng chí Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ COVID-19 cộng đồng … nắm chắc về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh; cập nhật thường xuyên những chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch trong thời gian gần đây.

Kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, trung tâm Chỉ huy các cấp, có đầy đủ quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, đặc biệt là thực hiện trực đường dây nóng từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh 24/24h.

Chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" cho các phương án khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Yêu cầu mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền phải nắm vững các biện pháp phòng, chống dịch, tình hình dịch bệnh, tư tưởng của người dân trên địa bàn, thông điệp 5T, thực hiện tốt xây dựng mỗi xã phường là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ". Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai nhanh gọn, quyết liệt và nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu.

6. Tăng cường xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các chợ đầu mối, trường học…. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, nhân lực, vật lực trong mọi tình huống.

Duy trì triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch liên tỉnh, liên huyện (đặc biệt các chốt giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định) không để lọt người từ vùng dịch về mà không khai báo y tế.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, quản lý các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn, uống, khu, điểm du lịch, di tích ... về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình hoạt động.

7. Tổ chức tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ, an toàn, đúng đối tượng, hiệu quả theo Kế hoạch 128/KH-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh về tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với quan điểm tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai cho các đối tượng theo quy định.

8. Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các ngành, các cấp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

9. Thống nhất mở cửa trở lại một số hoạt động, dịch vụ, phục vụ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể; những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động nội bộ nhưng không quá 20 người. Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 11/9/2021. Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện nghiêm theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hiện hành; những trường hợp cá biệt sẽ được xem xét cụ thể.

10. Yêu cầu xử lý nhanh, dứt điểm rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tập trung, khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

11. Giao Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tăng cường các trang thiết bị bảo hộ y tế, thuốc mem, hóa chất sinh phẩm … đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

12. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu cụ thể việc chuyển giao cơ sở vật chất của phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên về Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trên và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với lĩnh vực, địa phương phụ trách./.

CHỦ TỊCH

Phạm Quang Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ket-luan-cua-dong-chi-chu-tich-ubnd-tinh-truong-ban-chi-dao/d2021091020365488.htm