Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tạo tiền đề xử lý nhiều đại án
Một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, AVG, BIDV…
Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng vào chiều 27/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Mai Trực nêu nhiều thông tin liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tăng cường kiểm soát quyền lực và PCTN lãng phí, tiêu cực.
Kỷ luật gần 70.000 đảng viên vi phạm
Theo ông Trực, trong nhiệm kỳ, UB Kiểm tra Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành và tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều quy chế, quy định, chương trình, kế hoạch quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát.
UB Kiểm tra Trung ương và UB Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên (trong đó trên 23.000 là cấp ủy viên các cấp), giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên (trong đó trên 154.000 là cấp ủy viên các cấp).
Việc kiểm tra tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực; trách nhiệm nêu gương; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng;…
Trong đó có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, ngành, địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Cụ thể, quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những người giữ cương vị cao, lãnh đạo chủ chốt địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng, đương chức hoặc đã nghỉ hưu,...
Việc xử lý kỷ luật theo tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
“Điều đó đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp và bản lĩnh của ngành kiểm tra trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các tổ chức đảng sau khi được kiểm tra, giám sát đều đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa vi phạm khuyết điểm, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực”, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương nói.
Đối với công tác PCTN, qua kiểm tra, đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN.
UB Kiểm tra các cấp cũng đã phối hợp trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm.
“Một số kết luận của UB Kiểm tra Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật như: vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, vụ AVG, vụ BIDV,...”, ông Trực dẫn chứng.
Theo Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực vào việc kiểm soát quyền lực, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là phòng, chống việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi…
Mặt khác, qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”
Qua thực tiễn của nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm.
Trong đó có quán triệt tinh thần “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”; vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng là hết sức quan trọng, ở Trung ương là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể, kiên quyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm: “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, trong đó, coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa.
Trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm phải chủ động, kịp thời, chọn đúng thời điểm và đúng đối tượng, nội dung kiểm tra, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm để kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan, chứng cứ đến đâu kết luận xử lý đến đó.
“Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, song, cần phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, vi phạm của đảng viên nhất là vi phạm có liên quan đến tham nhũng cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha. Tránh không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng…”, ông Trực nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ XIII, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh đến việc tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát "là thanh bảo kiếm của Đảng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung, cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về PCTN, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính. Xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng".
Cùng với đó, có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.
Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp…