KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP THỨ 47 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Tại phiên họp thứ 47 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp về nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị và sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Đồng thời, cơ bản tán thành với nội dung báo cáo thẩm tra và đề nghị Chính phủ lưu ý:

- Tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan bao gồm các luật hiện hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm v.v.. và đặc biệt các luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung (như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính,...). Đồng thời, lưu ý các vấn đề liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế.

- Việc mở rộng chủ thể tiếp cận thông tin người nhiễm HIV cần được nghiên cứu quy định phù hợp để không ảnh hưởng quyền bảo mật thông tin của cá nhân.

- Cần nghiên cứu, rà soát để có quy định phù hợp, khả thi về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

- Nghiên cứu, rà soát các quy định để nhấn mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông trong cộng đồng và xã hội; tăng cường trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc trong phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, tiếp tục rà soát các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực này.

- Nghiên cứu bổ sung quy định thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS.

- Về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, đề nghị thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được nêu tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước để xin ý kiến Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sơ bộ, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và giao Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47701