Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới: Góp phần giữ vững sự bình yên cho vùng biên cương
Để giữ vững sự bình yên cho vùng biên cương, thì Nhân dân là lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, bên cạnh các chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, từng bước mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã triển khai nhiều chương trình nhằm duy trì hiệu quả quan hệ đối ngoại với nước bạn Lào. Trong đó, chủ trương kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đã và đang mang lại kết quả thiết thực.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt tham gia tổ chức Tết Trung thu và trao quà cho các cháu thiếu nhi xã Bát Mọt trong Chương trình “Vầng trăng biên cương”.
Thực hiện chủ trương kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, năm 2015, Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lễ kết nghĩa giữa bản Khẹo (xã Bát Mọt) với bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Từ đó, Nhân dân hai bên biên giới càng có điều kiện gần nhau hơn thông qua các hoạt động thăm thân và trao đổi hàng hóa. Đồng thời, để không ngừng tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác giữa huyện Thường Xuân với huyện Sầm Tớ, cũng như giữa lực lượng bảo vệ biên giới của 2 nước, năm 2016 Đồn Biên phòng Bát Mọt đã tổ chức kết nghĩa với Đại đội 216, tỉnh đội Hủa Phăn. Từ đó, các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra song phương 1 lần/tháng; tích cực trao đổi thông tin tình hình có liên quan để kiểm soát đường biên, mốc giới; phối hợp xử lý bước đầu các vấn đề nảy sinh và tham mưu cho các cấp chính quyền hai bên giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển.
Cùng với đó, các chuyến thăm viếng giữa xã Bát Mọt với cụm bản Phôn Xay cũng được tổ chức thường xuyên. Qua đó, hai bên đã thông tin, trao đổi về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự; cùng nhau giải quyết những vấn đề xã Bát Mọt và cụm Phôn Xay quan tâm. Trong các ngày lễ, tết cổ truyền, những khi hai bên có việc đều qua lại chúc mừng, thăm hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ và tặng quà. Đặc biệt, để việc kết nghĩa ngày càng thiết thực, năm 2015, từ việc huy động nhiều nguồn hỗ trợ, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã xây tặng 1 nhà tình nghĩa cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, Sầm Tớ trị giá 70 triệu đồng. Từ năm 2016, đơn vị đã nhận đỡ đầu 1 cháu học sinh trường cấp 2 cụm Phôn Xay, với mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/năm học cho đến khi cháu học hết lớp 12. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, hỗ trợ tiền, hiện vật và nhiều quà tặng các loại cũng đã được xã Bát Mọt và Đồn Biên phòng Bát Mọt triển khai. Cụ thể, xã Bát Mọt đã hỗ trợ cho Cụm Phôn xay 1 xe máy trị giá 20 triệu đồng, 1 máy nổ trị giá 15 triệu đồng và trao hàng trăm suất quà. Huyện Thường Xuân và các ngành như công an, y tế, giáo dục, chữ thập đỏ... đã ủng hộ nhiều công trình, vật chất như khán đài sân vận động huyện, tặng xe máy, máy tính, trang thiết bị sinh hoạt và cử nhiều đoàn từ thiện, nhân đạo sang huyện bạn cấp thuốc, khám bệnh miễn phí, tặng quà với trị giá hàng trăm triệu đồng...
“Kết nghĩa” hiểu đơn giản nhất là cách để con người ta gắn bó, kết nối với nhau trên cơ sở của tình cảm, nghĩa tình, thậm chí là coi nhau như người thân, anh em, họ hàng. Với ý nghĩa đó, Chỉ thị số 2219/CT-BTLBP, ngày 19-9-2012 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc tổ chức phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã ra đời. Trên cơ sở của chỉ thị, đồng thời căn cứ theo thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai nội dung “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên tuyến biên giới đất liền. Được đánh giá là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và cả nước; do đó, tuyến biên giới đất liền Thanh Hóa - Hủa Phăn có chiều dài 213,604 km, với 16 xã thuộc 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Qua công tác tham mưu của bộ đội biên phòng, hiện toàn tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ký kết và duy trì hoạt động cho 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đồng thời, duy trì kết nghĩa giữa 6 đồn biên phòng và 3 đại đội bảo vệ biên giới của nước bạn Lào.
Thông qua chương trình kết nghĩa, tuyến biên giới giữa 2 tỉnh, 2 nước được bảo vệ ngày càng tốt hơn và thực sự trở thành tuyến biên giới nghĩa tình, biên giới hữu nghị, được duy trì và vun đắp trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Điển hình là công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới được quan tâm thực hiện, trong đó, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào đã hoàn thành trên toàn tuyến với chiều dài 213,604 km, gồm có 88 vị trí/92 cột mốc. Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện biên giới có nhiều tuyến quốc lộ nối với các huyện đồng bằng như Quốc lộ 15A, 15C, 217 và 3 cửa khẩu, tạo lợi thế lớn để tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác giao lưu thương mại quốc tế với các tỉnh Bắc Lào. Muốn vậy, không cách nào khác là phải xây dựng, duy trì và tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các cụm bản - xã nói riêng, các địa phương và lực lượng quản lý biên giới nói chung.
Việc xây dựng tuyến biên giới hữu nghị dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa Nhân dân 2 nước, sẽ là trợ lực quan trọng giúp lực lượng biên phòng và chính quyền hai bên trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh với các hoạt động vượt biên, xâm phạm tài nguyên, di cư tự do và đấu tranh với các tệ nạn, tội phạm nguy hiểm khác. Thực tế cho thấy, cùng với mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước, việc kết nghĩa giữa các cụm bản dân cư hai bên biên giới đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Đồng thời, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.