Kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn 'kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai'.

Sáng 21-5, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn "kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo ngành NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên, cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phân phối sản phẩm. Ảnh: LK

Năm tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phân phối sản phẩm. Ảnh: LK

Theo Bộ NN&PTNT, Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, dồi dào về sản lượng, phong phú về chủng loại nông sản. Có nhiều nông sản dẫn đầu cả nước về sản lượng như cà phê (651.000 ha, chiếm 91% diện tích cà phê cả nước), hồ tiêu (82.000 ha, chiếm 64%), bơ (15.000 ha, chiếm 78%), chanh leo (6.700 ha, chiếm 70%)...

Hiện khu vực Tây Nguyên có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong… 583 sản phẩm OCOP được công nhận.

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông Tây Nguyên cơ bản đã thông suốt, thuận lợi kết nối khu vực, liên vùng về đường bộ, Tây Nguyên còn có ba cảng hàng không.

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025 sẽ khởi công ba tuyến đường bộ cao tốc kết nối nội vùng và liên vùng, gồm Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương. Điều này sẽ giúp khu vực Tây Nguyên tăng tốc phát triển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định cùng với tiềm năng, lợi thế nội tại ngành nông nghiệp, Tây Nguyên còn có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, thương mại, du lịch thuận lợi cho phát triển nông sản nội vùng, liên vùng, xuất khẩu. Hội tụ đầy đủ các yếu tố để kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng đối diện với nhiều thách thức do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; ảnh hưởng biển đổi khí hậu, biến động thị trường. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, liên kết các địa phương có vùng nguyên liệu tương đồng chưa được chú trọng đúng mức.

Các địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kết nối đối tác, doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Nguyên. Từ đó hình thành, phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật, quy định các thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển hệ thống logistics trong lĩnh vực nông sản, từ sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu; giúp nông sản phát triển, tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thời gian tới sẽ đẩy mạnh chế biến, nhất là chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, thông minh, hữu cơ vào sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Tây Nguyên đã hội đủ yếu tố để để kết nối chuỗi giá trị sản xuất. Ảnh: LK

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Tây Nguyên đã hội đủ yếu tố để để kết nối chuỗi giá trị sản xuất. Ảnh: LK

“Tây Nguyên cần đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước, mở rộng không gian tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT, năm tỉnh Tây Nguyên cùng một số hiệp hội ngành chủ lực đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ các mặt hàng nông sản. Năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp ký kết xây dựng các chuỗi phân phối sản phẩm. Sở NN&PTNT Gia Lai cũng ký kết hợp tác với Sở NN&PTNT TP.HCM.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ket-noi-chuoi-gia-tri-san-xuat-tieu-thu-nong-san-vung-tay-nguyen-post681044.html