Kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ
Ninh Thuận đang kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đơn đặt hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng của năm 2023 trên địa bàn Ninh Thuận ước đạt trên 28.345 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Các hoạt động thương mại diễn ra khá sôi động, giá cả hàng hóa và dịch vụ được kiểm soát tốt; nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; nhiều chương trình, hoạt động khuyến mại kích cầu tiêu dùng được diễn ra.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho hay, trong quý IV/2023, ngành công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn tư vấn về sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường những tháng cuối năm 2023. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa xuất xứ Việt Nam và những sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh theo nhiều hình thức để mở rộng thị trường tiêu thụ, kết hợp hài hòa với hoạt động phân phối hàng hóa truyền thống.
Các đơn vị sản xuất công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngành chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa trên địa bàn để đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân sản xuất sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm"), sản phẩm đặc thù, công nghiệp nông thôn…tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị, hội chợ cấp tỉnh, cấp khu vực kết nối cung - cầu hàng hóa, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư. Đồng thời, kết nối các kênh phân phối trong tỉnh với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia kết nối giao thương tại các hội nghị hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, hội chợ thương mại – du lịch và quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, An Giang, các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên.. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tham gia các hội nghị xúc tiến hợp tác với Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ; ký và trao biên bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh, Ả Rập Xê Út; đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ quảng bá tỉnh Ninh Thuận với với các đối tác thuộc thị trường Halal toàn cầu.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện như hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua các dự án khuyến công; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số, nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; kết nối nhà bán hàng và sàn thương mại điện tử cũng như các chương trình tập huấn, nhằm giúp nâng cao kỹ năng, kiến thức cũng như việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nhờ việc tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa đã giúp các đơn vị trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, cũng như tiêu thụ các sản phẩm hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ, bình quân mỗi năm công ty liên kết thu mua từ các hộ dân 300 - 400 tấn táo tươi. Trong đó công ty chế biến từ 150 -180 tấn táo thành các sản phẩm như: táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo, siro táo, giấm táo. Được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến, các sản phẩm táo tươi và chế biến từ quả táo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và số lượng, đưa vào bán tại các cửa hàng OCOP, sân bay, siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ, hướng dẫn 62 đơn vị với 257 sản phẩm (trong đó có 123 sản phẩm OCOP của 50 đơn vị) tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ: http://sanphamninhthuan.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart… Qua đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với đông đảo người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại; đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-cung-cau-mo-rong-thi-truong-tieu-thu/311583.html