Kết nối cung cầu - 'Muốn đi xa hãy đi cùng nhau'
Với phương châm 'Muốn đi xa hãy đi cùng nhau', chương trình kết nối cung cầu đã phát huy vai trò cầu nối giúp các nhà sản xuất và kênh phân phối đến gần nhau hơn.
Nhằm đẩy mạnh liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến phân phối, thời gian qua đã có không ít chính sách hỗ trợ để hàng Việt xuất hiện nhiều hơn tại các quầy, kệ của siêu thị, trung tâm thương mại.
Hơn nữa, với phương châm “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, chương trình kết nối cung cầu đã phát huy vai trò cầu nối giúp các nhà sản xuất và kênh phân phối đến gần nhau hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng như được tiếp thêm sức mạnh trong phát huy nội lực để tăng sức cạnh tranh và nâng chất cho sản phẩm trên thị trường.
Ươm mầm quả ngọt
Là doanh nghiệp điển hình tại khu vực miền Bắc đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu nông sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc chia sẻ, mỗi năm công ty thu mua hàng chục nghìn tấn lúa thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân.
Cùng với đó, công ty còn đưa các giống lúa mới vào sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, hiệu quả, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm phục vụ nội địa và xuất khẩu.
Cũng bởi có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng nên nhiều năm qua, công ty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, Trung Quốc, đồng thời phát triển được các sản phẩm gạo Hoàng Cung, gạo T10 – Tiền Hải và được người tiêu dùng đón nhận.
Không những thế, việc bắt tay giữa Bộ Công Thương và hệ thống siêu thị nhằm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước đã giúp sản phẩm của công ty được tiêu thụ nhiều hơn tại thị trường nội địa, mang lại doanh thu cao.
Đại diện cho mô hình hợp tác xã kiểu mới trong liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng đã mạnh dạn phát triển sản xuất chè theo hướng VietGAP.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý, thời gian qua, đơn vị đã liên kết với các hộ dân thuộc 3 xã Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã để canh tác 250 ha chè sạch.
Nhờ phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa và tiêu chuẩn an toàn, sản lượng chè đạt được trung bình từ 60 – 100 kg/sào/lứa.
Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã Thành phố và các sở ngành, chè an toàn Bắc Sơn đã được cấp chứng nhận VietGAP và công nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm đã dễ dàng hơn.
Đến nay, thương hiệu chè của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn đã thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại, giúp gia tăng từ 17 – 25% giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho xã viên, thành viên hợp tác xã.
Mặc dù mới được thành lập nhưng Hợp tác xã Quế Hồi xã Đào Thịnh (Trấn Yên-Yên Bái) luôn là một tập thể lao động giỏi trong xây dựng thương hiệu quế hữu cơ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trồng quế, bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển kinh tế rừng một cách hiệu quả và bền vững.
Thông qua việc cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến, Hợp tác xã Quế Hồi xã Đào Thịnh đang tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định.
Không những thế, thông qua chương trình kết nối cung cầu, ngoài việc thâm nhập sâu vào hệ thống siêu thị trên cả nước, sản phẩm quế của hợp tác xã còn xuất khẩu thành công sang thị trường Ấn Độ, EU và Nhật Bản.
Nhận định từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, việc bảo đảm quy trình sản xuất quế hữu cơ của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam đã giúp xã Đào Thịnh có sản phẩm chủ lực là quế hữu cơ theo chuỗi giá trị, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần đưa hàng Việt vươn xa.
Kết nối tiêu thụ
Tuy nhiên, thực tế hiện nay từ các tỉnh thành cho thấy dù các doanh nghiệp đã có những bước phát triển về doanh số nhưng chưa có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Quản lý cấp cao thu mua khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị GO! và Big C Việt Nam cho hay, nhằm ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam, mới đây hệ thống siêu thị GO! và Big C Việt Nam đã ký kết chương trình kết nối cung cầu với Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho hơn 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống.
Điều này không những giúp hàng hóa của khu vực kinh tế tập thể tìm được đầu ra ổn định, tránh tính trạng “được mùa mất giá” mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận hàng Việt đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng.
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, nếu như trước đây hệ thống siêu thị GO! và Big C Việt Nam phải mua nông sản sạch từ Đà Lạt thì thông qua các Tuần lễ nông sản được tổ chức luân phiên, đơn vị sẽ thu mua từ Sơn La, Hưng Yên, Nghệ An… bởi chất lượng rau củ khá tốt cộng thêm cung đường vận chuyển cũng được rút ngắn đi rất nhiều.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, để tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều tỉnh thành khác trên địa bàn cả nước triển khai chương trình kết nối hàng hóa giúp các loại nông lâm thủy hải sản của các vùng miền sản xuất theo chuỗi đến tay người tiêu dùng khắp cả nước.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động kết nối cung cầu, sản xuất thực phẩm sạch nhưng việc đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn bởi xây dựng và phát triển chuỗi phải qua rất nhiều khâu.
Chính vì vậy, quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là cách duy nhất để hàng Việt chiếm được lòng tin người tiêu dùng phát triển bền vững.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các chương trình kết nối cung cầu trên phạm vi toàn quốc.
Đơn cử như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Yên, Bến Tre, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hòa Bình, Lâm Đồng… Đây thực sự là kênh xúc tiến, mở rộng tiêu thụ cho hàng Việt cả trong nước và kết nối vào các kênh xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, tiêu chí của chương trình là sản phẩm tham gia kết nối phải 100% là hàng Việt Nam. Bởi, bên cạnh việc hỗ trợ hàng hóa, chương trình này còn có ý nghĩa to lớn nhằm mục đích cung ứng hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường các dịp lễ, tết.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, liên kết tạo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở vật chất và áp dụng công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường nội địa và quốc tế.