Kết nối cung cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau

Ngày 30/7, tại Cà Mau đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu tôm giống tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Cà Mau.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Đồng thời thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất và tiêu thụ tôm giống giữa các công ty sản xuất tôm giống tỉnh Ninh Thuận với các đơn vị nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau.

Đây là lần đầu tiên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai địa phương phối hợp tổ chức hội nghị quan trọng này. Hội nghị thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu đại các công ty, doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận và đại diện các đơn vị, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin về tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin về tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin về tiềm năng, lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản và được tỉnh xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sản lượng thủy sản của tỉnh đạt gần 650.000 tấn/năm; trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 233.000 tấn/năm. Đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản thì thế mạnh nổi trội nhất của tỉnh vẫn là nuôi tôm. Toàn tỉnh có diện tích khoảng 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng không ngừng nâng cao, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt bình quân trên 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 1/3 của ngành tôm cả nước.

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm chiếm khoảng 40% của cả nước, với nhiều loại hình nuôi nhưng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang phát triển rất mạnh, đạt diện tích khoảng 6.000 ha, dự báo loại hình nuôi này có xu thế gia tăng trong thời gian tới. Do vậy, nhu cầu tôm giống phục vụ cho nuôi tôm là rất lớn. Hàng năm, nhu cầu con tôm giống tại tỉnh khoảng 30 tỷ con nhưng tỉnh Cà Mau chỉ mới sản xuất con giống được khoảng 50%, nên phải nhập từ các tỉnh khác khoảng 15 tỷ con giống; trong đó, phần lớn là nhập tôm giống từ tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên, ông Châu Công Bằng cũng bày tỏ lo lắng về chất lượng tôm giống nhập tỉnh. Bởi khi các hợp tác xã, hộ nuôi tôm mua phải tôm giống không đảm bảo chất lượng, bị nhiễm bệnh thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro, thiệt hại nặng về kinh tế. Thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát tôm giống ở Cà Mau là hết sức khó khăn, tỷ lệ tôm giống đảm bảo chất lượng đạt tỷ lệ chưa cao.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau mong muốn sắp tới tôm giống của Ninh Thuận về Cà Mau với số lượng nhiều hơn, nhưng nguồn tôm giống phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng để người dân Cà Mau thả tôm giống Ninh Thuận đạt hiệu quả cao hơn, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả ngành nghề nuôi tôm ở Cà Mau theo hướng phát triển bền vững, đó là mục tiêu mà tỉnh đặt ra tại hội nghị này.

Tỉnh Ninh Thuận cung ứng tôm giống đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu của người nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau. Do đó, thời gian tới hai địa phương tiếp tục phối hợp duy trì, phát huy hiệu quả chương trình xúc tiến, kết nối cung cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau.

Chia sẻ về việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống tại Ninh Thuận, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe, con tôm giống Ninh Thuận đã chính thức được cấp nhãn hiệu bảo hộ tập thể tôm giống sạch bệnh.

Ông Đặng Kim Cương cho rằng, nhu cầu tôm giống của tỉnh Ninh Thuận hàng năm chỉ chiếm khoảng 5 - 10% tổng sản lượng giống của tỉnh. Vì vậy, hơn 90% sản lượng tôm giống còn lại chủ yếu cung cấp cho các địa phương có nuôi tôm thương phẩm trong cả nước.

Riêng tỉnh Cà Mau luôn là địa phương đứng dầu cả nước về tiêu thụ tôm giống của tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, sản lượng tôm giống tỉnh Ninh Thuận nhập về tỉnh Cà Mau trong năm 2023 là trên 7,2 tỷ con tôm giống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tôm giống nhập về tỉnh Cà Mau là trên 4,8 tỷ con tôm giống.

Với ưu thế về điều kiện tự nhiên và nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm giống trọng điểm của Việt Nam, Ninh Thuận đang khẳng định thương hiệu và ngôi vị số 1 về sản xuất tôm giống. Với những định hướng mới, Ninh Thuận đang đặt mục tiêu đến 2025 sản lượng tôm giống đạt trên 50 tỷ con.

Đồng thời, Ninh Thuận chủ động 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ. Số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm đạt trên 10%; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh. Trên đà tăng trưởng này, Ninh Thuận có cơ sở trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu tôm giống Ninh Thuận thì việc xây dựng, duy trì, củng cố và phát triển thương hiệu của mỗi doanh nghiệp ngày càng được các cơ sở đặc biệt quan tâm và đề ra chiến lược cụ thể, rõ ràng hơn. Đến nay các cơ sở đều xác định, nhận thức được rất rõ rằng uy tín, thương hiệu muốn tồn tại phải được xây dựng dựa trên chất lượng tôm giống do chính mình làm ra.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, đồng thời cam kết thời gian tới sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra trong sản xuất con giống để đảm bảo cung cấp tôm giống có chất lượng cao phục vụ các đơn vị, hợp tác xã, hộ nuôi tôm trong cả nước nói chung và ở tỉnh Cà Mau nói riêng.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ một số khó khăn trong sản xuất tôm giống, giá thành tôm giống không ổn định, rủi ro khi mua phải tôm giống kém chất lượng...

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, tôm giống là loại hàng đặc biệt, khi đến tuổi phải xuất bán chứ không thể tiếp tục lưu giữ. Tuy vậy, đến khi xuất bán nếu gặp phải thời điểm giá xuống thấp hoặc không bán được thì phải xả bỏ, gây thiệt hại rất nhiều cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, tình trạng in giả nhãn mác bao bì thương hiệu tôm giống Ninh Thuận vẫn còn xảy ra, điều này gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các công ty, doanh nghiệp làm ăn chân chính, thận chí gây ra nhầm lẫn và thiệt hại đối với người nuôi tôm thương phẩm.

Mặt khác, việc tiếp cận với các nguồn vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận là rất khó khăn. Trong khi đó, giá các loại vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh không ngừng tăng cao.

Thời điểm hiện nay chi phí sản xuất tôm giống rất cao, gần như đụng giá trần, nên rất cần sự chia sẻ, đồng hành của khách hàng, có hợp đồng đặt hàng từ sớm để doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch sản xuất mang lại chất lượng sản phẩm cao nhất.

Kim Há/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-cung-cau-tom-giong-ninh-thuan-tai-ca-mau/342095.html