Kết nối để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Sinh viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung trao đổi với các chuyên gia công nghệ về ý tưởng khởi nghiệp của mình tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: THÚY HẰNG

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ít. Để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, trong đó có sự kết nối ba nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường.

Đó là chia sẻ của các đại diện sở KH-CN các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, startup/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, viện - trường, nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức tại Phú Yên.

Góp sức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên cả nước nói chung, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng phát triển ngày càng rộng khắp. Nhiều địa phương đang dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp.

Tại Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động quan trọng nhằm xây dựng môi trường học tập năng động, nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ việc làm sau khi ra trường cho học sinh sinh viên, nên ngay từ đầu, nhà trường đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo. Trung tâm đã bước đầu kết nối thành công ba nhà: nhà hoạch định chính sách, nhà trường và doanh nghiệp.

Hiện trung tâm đã hình thành mạng lưới với 20 chuyên gia cố vấn cao cấp, 50 chuyên gia chuyên ngành, 20 doanh nhân xuất sắc. Ngoài ra, qua 4 năm tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, hơn 100 dự án tham gia tranh tài. Đến nay có 3 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp quốc gia, 5 dự án khởi nghiệp đạt giải cấp bộ ngành và đã có 3 dự án nhận được vốn đầu tư.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ý tưởng đã được hiện thực hóa thì vẫn còn không ít ý tưởng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công. Theo nhìn nhận của các đại biểu, tỉ lệ thành công của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay chỉ khoảng 10%, nhưng điều đó là bình thường. Bởi để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và những nhà đầu tư mạo hiểm...

Đại diện sở KH-CN, doanh nghiệp, nhà trường và chuyên gia tư vấn chia sẻ kinh nghiệm tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: THÚY HẰNG

Đại diện sở KH-CN, doanh nghiệp, nhà trường và chuyên gia tư vấn chia sẻ kinh nghiệm tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: THÚY HẰNG

Kết nối ba nhà

Theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần có nhiều yếu tố như: Thị trường, nguồn nhân lực, nguồn vốn và tài chính, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, khung pháp lý và hạ tầng cơ sở, các học viện, trường đại học, cao đẳng…

Để chuẩn bị cho khởi nghiệp, các startup phải biết tranh thủ mọi mối quan hệ, đặc biệt là những người đi trước đã khởi nghiệp thành công để được hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức, kỹ thuật chuyên môn. “Phía sau các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có những mentor hỗ trợ. Hiện các vườn ươm cũng đã hình thành mạng lưới những mentor hỗ trợ cho khởi nghiệp bằng cách tranh thủ những mối quan hệ, quen biết sẵn có với các viện, trường, chuyên gia. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp”, ông Quân nói.

Theo các chuyên gia, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động khởi nghiệp trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục… Đây là những lợi thế, tiềm năng cơ bản để thực hiện các ý tưởng đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế 4.0. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Phú Yên), các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cố vấn, tư vấn, đào tạo khởi nghiệp cũng như tiếp cận tài chính, nguồn nhân lực.

Triển khai thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và startup vẫn còn lớn. Do đó, startup cần kết hợp với các thành phần khác của hệ sinh thái, trong đó doanh nghiệp lớn là thành phần vô cùng quan trọng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, cho hay: Ngoài việc đầu tư vốn, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm thương trường và cách quản lý nguồn vốn..., các doanh nghiệp lớn còn trở thành nhà đầu tư bền vững, có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các startup. Bất kỳ startup nào cũng cần có vai trò của nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà khoa học. Tuy nhiên, đến nay các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là chưa kết nối chặt chẽ, phần lớn các doanh nghiệp còn thiếu cơ sở để tin tưởng startup.

Một sinh viên Trường đại học Phú Yên trao đổi với các chuyên gia về ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Một sinh viên Trường đại học Phú Yên trao đổi với các chuyên gia về ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Tạo lòng tin giữa nhà đầu tư và startup

ThS Biện Thị Thái Ánh, giảng viên Khoa Công nghệ hóa - Tài nguyên môi trường (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) cho biết: “Khơi nguồn cho sinh viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp đã khó, nhưng để ý tưởng của các em trở thành hiện thực càng khó hơn. Dựa trên nền tảng mô hình kết nối ba nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường, hy vọng trong thời gian tới việc kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà trường được thắt chặt hơn nữa để góp phần hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp”.

Một startup khi bước vào môi trường kinh doanh thường thiếu rất nhiều, đầu tiên là vốn, công nghệ rồi sau đó là quản trị, là tham gia chuỗi sản xuất, là thị trường. “Trong các yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thì các startup của chúng ta mới chỉ có được một yếu tố là ý tưởng. Tuy nhiên, rất nhiều bạn khởi nghiệp nói là rất sợ doanh nghiệp “chôm” mất ý tưởng trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Điều này vô hình trung làm cho nhà đầu tư và startup không tạo được niềm tin lẫn nhau”, ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BIT chia sẻ. Theo ông Phương, chỉ khi nào niềm tin giữa doanh nghiệp và startup được củng cố, xác lập thì bài toán về vốn cho dự án khởi nghiệp mới đạt được hiệu quả.

Những yếu tố cốt lõi cho đổi mới sáng tạo là sự cộng tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ của các thành phần trong hệ sinh thái, do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các địa phương cần xây dựng chương trình liên kết vùng về đổi mới sáng tạo; giới thiệu và chuyển giao các mô hình, giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình tổ chức kinh doanh sáng tạo; chia sẻ nguồn lực, kết nối cung cầu, cộng tác mở rộng không gian sáng tạo, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự phát triển chung của cả khu vực và cả nước…

Để chuẩn bị cho khởi nghiệp, các startup phải biết tranh thủ mọi mối quan hệ, đặc biệt là những người đi trước đã khởi nghiệp thành công để được hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức, kỹ thuật chuyên môn.

Ông Lý Đình Quân,

Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/247777/ket-noi-de-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep.html