Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS
Được triển khai từ năm những năm 2015, đến nay mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Là một trong những tỉnh triển khai mô hình hiệu quả và rộng khắp từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, Mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được Sở Lao động – Thương binh và Xa hội tỉnh bắt đầu triển khai ở huyện Văn Chấn từ nhiều năm nay trên địa bàn hai xã Sơn Thịnh và Cát Thịnh. Mô hình có sự tài trợ của Tổ chức CRS tại Việt Nam và Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động – Thương binh và Xa hội. Trong những năm qua, ngoài Văn Chấn, Văn Yên, mô hình còn được Sở Lao động – Thương binh và Xa hội triển khai ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên và mới đây nhất là huyện Lục Yên.
Với nhiều hoạt động được tích cực triển khai như Hội nghị triển khai mô hình, tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên về việc triển khai và thực hiện hoạt động mô hình; truyền thông trên loa phát thanh của xã, tổ chức sinh hoạt cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và sinh hoạt cho trẻ em tại các trường học, cộng đồng. Đồng thời hình thành mạng lưới kết nối dịch vụ cung cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ cấp tỉnh, huyện, xã. Cung cấp các kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giải đáp các vướng mắc cho gia đình trẻ và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương về từng hoàn cảnh cụ thể.
Qua thực tế triển khai thực hiện mô hình đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung cũng như chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, giúp hàng trăm lượt trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục, dinh dưỡng, tư pháp... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng.
Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” với mục đích thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Qua một thời gian triển khai, đến nay, mô hình đã nhận được sự ủng hộ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xã hội hóa về bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ có nhiễm HIV/AIDS nói riêng. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được trợ giúp kiến thức chăm sóc sức khỏe để hòa nhập cộng đồng, các em được học tập, vui chơi và hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của trẻ em.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 2.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó: 47 trẻ nhiễm HIV/AIDS, 34 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV, 370 trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV, 504 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ nghèo, 1.496 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ cận nghèo.
Tại tỉnh Khánh Hòa, mô hình được triển khai từ năm 2015, đến nay đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.
5 năm qua, sở đã tổ chức 5 hội thảo, 5 lớp tập huấn triển khai mô hình cho gần 350 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã, cộng tác viên các xã, phường; nâng cao năng lực cho 153 cán bộ, 52 nhân viên làm công tác trẻ em các cấp, đội ngũ nhân viên chăm sóc trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội về tác hại của ma túy đối với sự phát triển của trẻ em và các biện pháp phòng tránh, các dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tổ chức 316 buổi tư vấn cộng đồng cho gần 19.000 cán bộ tổ dân phố, các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và trẻ em. Hàng năm, mỗi xã, phường triển khai mô hình đều tổ chức 2 - 3 đợt sinh hoạt cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và nhóm trẻ tại cộng đồng, hướng dẫn cho trẻ biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt việc điều trị HIV/AIDS cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên chẩn đoán sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi do bà mẹ nhiễm HIV sinh ra bằng cách lấy mẫu máu chuyển vào Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm; đo tải lượng vi rút HIV để theo dõi hiệu quả điều trị; chuyển đổi phác đồ điều trị khi trẻ bị kháng thuốc. Trường hợp bệnh nhân nặng sẽ được giới thiệu, chuyển tiếp hoặc chuyển tuyến theo chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương.
Mặt khác, trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS sẽ được cán bộ quản lý tại các địa phương đánh giá nhu cầu và hướng dẫn, kết nối dịch vụ cho trẻ và gia đình về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, hỗ trợ về giáo dục, trợ cấp xã hội, tư vấn tâm lý, người chăm sóc, vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… nhằm hỗ trợ kịp thời cho các em.
Các tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam… đều triển khai mô hình rộng khắp và hiệu quả, tạo điều kiện cho các em được hưởng các gói dịch vụ về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ củng cố về kinh tế, tiếp cận với các chính sách.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mỗi năm ở Việt Nam có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV. Để trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ các trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như giúp các em tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị, can thiệp kịp thời.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, để những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, khám, chữa bệnh tốt nhất, thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh xã hội tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV; bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Tiếp tục ưu tiên duy trì điều trị bằng ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh.