Kết nối giao thông để hội nhập, phát triển
Ở vào trung độ của đất nước, ngay eo thắt miền Trung nên địa hình tỉnh Quảng Trị có độ dốc nghiêng dần từ Tây sang Đông, có nơi vùng núi và trung du lấn ra giáp biển, do đó địa hình bị chia cắt mạnh. Vùng đồng bằng nhỏ hẹp bị ngăn cách với vùng ven biển và vùng gò đồi. Quảng Trị cũng là địa phương có nhiều con sông bắt nguồn từ phía Tây đổ ra Biển Đông với những phân nhánh phức tạp khiến cho việc kết nối nội vùng gặp khó khăn. Do vậy, việc phát triển hệ thống giao thông ở Quảng Trị có vai trò to lớn để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Thực tế đã chứng minh rằng, hơn 30 năm sau ngày tỉnh Quảng Trị lập lại, nhất là 5 năm trở lại đây, sự kết nối mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và hoàn chỉnh đã tạo một dấu ấn sâu đậm trong tiến trình đổi mới và phát triển trên địa bàn tỉnh. Vào tháng 7/1989, toàn tỉnh chỉ có hơn 750 km đường bộ, gồm 262 km quốc lộ; 130,5 km tỉnh lộ với 8 tuyến đường và 358,4 km đường huyện, còn 15 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã... Đến nay, chiều dài hệ thống giao thông toàn tỉnh đã lên tới 8.739 km. Hệ thống đường bộ trên địa bàn 5 năm qua tăng thêm 1.605,87 km; tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông đạt trên 6.623 tỉ đồng. 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm. Hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đã được nhựa hóa, kiên cố hóa; hệ thống cầu yếu, cầu tạm cơ bản được đầu tư nâng cấp, xây mới; hệ thống đường giao thông nông thôn được cải thiện rõ rệt. Trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho Nhân dân, giao thương hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nhẹ thiên tai, phòng thủ quốc phòng, cải thiện đời sống cho Nhân dân.
Giao thông mở ra thuận tiện đến đâu, ánh sáng văn minh lan tỏa đến đó. Có thể thấy khi cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải đưa vào khai thác, cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu thông tuyến cùng những cây cầu khác như cầu Hiền Lương (mới), cầu thứ hai qua sông Thạch Hãn (cầu Thành Cổ), Đại Lộc, An Mô, Triệu Phước, Lai Phước, Sông Hiếu, Cam Hiếu, cầu nối Mò Ó- Triệu Nguyên, đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn (đoạn qua địa bàn tỉnh), đường tránh thành phố Đông Hà về phía Đông, đường Sa Trầm- Ba Lin, trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị… đã đảm nhận việc kết nối một vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, dồi dào về tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển và dịch vụ, du lịch của tỉnh Quảng Trị. Việc hoàn thành Quốc lộ 9 nối dài về Cảng Cửa Việt, Quốc lộ 9 tránh thành phố Đông Hà về phía Nam và phía Bắc với tổng chiều dài 34,2 km đã làm thay đổi cơ bản diện mạo các địa phương của huyện Gio Linh, Cam Lộ, một phần thành phố Đông Hà nơi có tuyến đường đi qua. Đặc biệt, đã có nhiều dự án quan trọng về hạ tầng giao thông vận tải đã được Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đưa vào quy hoạch, phê duyệt như Cảng hàng không sân bay Quảng Trị; đường ven biển Quảng Trị đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt; xây dựng tuyến đường bộ từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quốc lộ 15D); đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị)… Những dự án này sẽ tạo bước đột phá cơ bản cho kết cấu hạ tầng giao thông, có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Một số hạng mục công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông- Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ đã được bổ sung vào quy hoạch và đang từng bước triển khai thực hiện.
Trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối các trọng điểm kinh tế đã đề ra từ các năm trước; hình thành Hành lang kinh tế qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy và kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây. Triển khai các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch, tạo hiệu ứng lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch và phát triển công nghiệp phụ trợ dọc Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49 để gắn liền Khu kinh tế cửa khẩu La Lay với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng biển Mỹ Thủy, hình thành nên Hành lang kinh tế (tuyến xuyên Á thứ 2) song song với Hành lang kinh tế Đông- Tây. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic; xây dựng cảng trung chuyển hàng hóa bằng công ten nơ phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước ASEAN. Xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Sẽ triển khai thực hiện dự án Quốc lộ 15D; đốc thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác Cảng biển Mỹ Thủy; Cảng Cửa Việt bờ Nam; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về Cảng Cửa Việt; mở rộng Quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam Đông Hà; đường ven biển; Cảng hàng không sân bay Quảng Trị; đường Hùng Vương nối dài giai đoạn 3; đường từ sân bay Quảng Trị đến đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối thành phố Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; nghiên cứu tuyến đường sắt đoạn Đông Hà - Lao Bảo và đoạn từ Cảng Mỹ Thủy nối với đường sắt Bắc - Nam; ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam...
Bên cạnh đó, Quảng Trị được xác định là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế ĐôngTây, hành lang của hội nhập và phát triển. Từ khi cầu Hữu Nghị 2 nối tỉnh Savannakhet (Lào) với tỉnh Mục đa hản (Thái Lan) được khánh thành (20/12/2006) là điều kiện để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác phát triển kinh tế của các nước trên trục Hành lang Đông- Tây, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ. Khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng Mỹ Thủy được khởi động, tập trung đầu tư, sẽ là điểm nhấn quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông- Tây, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế biển của Quảng Trị cũng như các tỉnh Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và cả nước…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152394