Kết nối giao thông động lực phát triển
Là một tỉnh không có đường sắt, cảng biển, đường không, trong khi đó hệ thống đường bộ chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là khâu đột phá. BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, đề án để tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo động lực cho phát triển trong giai đoạn tới.
Rút ngắn khoảng cách và thời gian
Hệ thống đường bộ kết nối giữa Tuyên Quang với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Từ Tuyên Quang về Hà Nội, lên Hà Giang, sang Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh trong khu vực hiện còn mất nhiều thời gian do chất lượng đường còn hạn chế, chưa khai thác tối đa năng lực vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phục vụ cho sự phát triển. Do đó, Tuyên Quang dẫu có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa thu hút được đầu tư vì “rào cản” về đường giao thông còn nhiều bất cập.
Trước bối cảnh đó, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối vùng miền một cách nhanh hơn, gần hơn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Bằng tất cả khát vọng vươn lên xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, ngay từ đầu năm 2021, trong điều kiện gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh ta đã tiến hành động thổ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đây là con đường “mơ ước” bắt đầu được định hình sau nhiều năm nỗ lực của lãnh đạo tỉnh làm việc với các bộ, ngành Trung ương và được Chính phủ nhất trí chủ trương xây dựng. Ngày động thổ xây dựng công trình, Tuyên Quang vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về dự, điều này càng cho thấy vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của con đường “mơ ước” này đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm tại nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, với nhân dân trong các buổi tiếp xúc cử tri nhấn mạnh, nếu không có đường cao tốc, Tuyên Quang rất khó phát triển. Có đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian từ Tuyên Quang về Hà Nội, trung tâm kinh tế của cả nước, từ đây sẽ kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước, tạo động lực thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Niềm vui như được nhân đôi khi vào những ngày tháng 5 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dung đã có cuộc khảo sát để trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng chiều dài là 110 km; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) để hình thành một con đường hai điểm đến phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Hiện tỉnh ta đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn hoàn thiện các bước, đặc biệt là kiểm kê đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng những con đường “trong mơ”. Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đã có buổi làm việc về công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh tổ chức cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh; xây dựng một số cầu vượt sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy để kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải và lãnh đạo tỉnh Hà Giang khảo sát tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang
tại địa bàn huyện Hàm Yên. Ảnh: Thành Công
Khi đường lớn đã mở, từ Tuyên Quang về Hà Nội chỉ khoảng 1,5 giờ đồng hồ, từ Tuyên Quang đi cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang chỉ khoảng 3,5 giờ đồng hồ… thực sự là “rải thảm” đón các nhà đầu tư có tiềm năng về Tuyên Quang và Hà Giang và các tỉnh trong khu vực triển khai các dự án, nhất là các dự án phát triển về du lịch, chế biến nông lâm sản mà tỉnh ta hướng đến và có tiềm năng lớn. Hiện, Tập đoàn SunGroup đã làm việc với tỉnh ta để triển khai dự án phát triển du lịch lòng hồ Na Hang, khu lâm viên Phiêng Bung (Na Hang) kết nối với danh thắng hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn và các địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng để hình thành một con đường hai điểm đến trong tương lai khi giao thông được kết nối.
“Đường về thôn mai mốt…”
Đi trên những con đường thôn quê mới được bê tông hóa trong một chiều hè rì rào gió hát, trong tôi bỗng rộn ràng lời ca “Đường về hai thôn mai mốt đôi uyên ương qua cầu soi bóng”… Niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực rồi, hiện hữu trên những con đường phẳng phiu, trên những cây cầu bê tông bắc qua suối ở mỗi thôn làng.
UBND tỉnh đã ban hành Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là dự án được ban hành và triển khai sớm nhất để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định phát triển kết cấu giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin và khâu đột phá. Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh bê tông hóa được 1.080 đường thôn và đường nội đồng, xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuyến đường bê tông nông thôn tại xã Thái Bình (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ảnh: Quốc Việt
Đề án đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bởi thế, trong những ngày mùa hạ này, dẫu nắng nóng như đổ lửa xuống mặt đường bỏng cháy nhưng người dân ở các huyện, thành phố vẫn “đội nắng” vận chuyển vật liệu, cát sỏi tham gia bê tông hóa đường thôn, đường nội đồng. Từ đầu tháng 5 đến nay, các huyện đã ra quân triển khai đề án, người dân tham gia tích cực. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các địa phương được tỉnh cung cấp xi măng, ống cống và hỗ trợ một phần kinh phí thuê máy móc thi công, còn lại huy động sức dân, nhất là vận động người dân hiến đất làm đường. Gia đình bà Lâm Thị Nhung, thôn An Ninh, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) hiến 700 m2 đất để thôn làm đường chia sẻ, đây là cơ hội lớn để quê bà được khoác lên mình “tấm áo mới”. Bê tông hóa đường làng, bọn trẻ đi lại thuận lợi hơn, hàng hóa giao thương dễ dàng hơn, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa. Nhận thức sâu sắc điều đó, bà không nề hà gì cả, tự nguyện hiến đất để thôn hoàn thiện công trình. Còn ông Hoàng Văn Thắng, thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) hiến 40 m dài đất để thôn làm đường nội đồng phấn khởi bảo rằng, con đường nội đồng 1 km nay đã cơ bản hoàn thành, nhờ đó vụ mía, ngô tới bà con vận chuyển thuận lợi hơn, không còn vất vả như xưa nữa.
Khi hệ thống giao thông được hoàn thiện từ cao tốc đến đường thôn sẽ mở ra cơ hội lớn để nông thôn kết nối với thành thị, miền ngược kết nối với miền xuôi, tạo động lực cho phát triển bền vững và công bằng xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây đắp quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như điều Bác Hồ hằng mong ước.