Kết nối giao thông, tạo động lực phát triển

Những năm qua, ngành giao thông vận tải - xây dựng Lào Cai đã đạt nhiều thành tựu, nhất là hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.

Phóng viên: Đề nghị ông chia sẻ dấu ấn của các công trình kết nối giao thông, tạo triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung?

Ông Nguyễn Trọng Hài: Trong 5 năm (2016 - 2020), ngành giao thông vận tải - xây dựng Lào Cai đã hoàn thành cải tạo, sửa chữa khoảng 176 km quốc lộ, 70 km tỉnh lộ. Cụ thể, các công trình trung ương, quốc lộ hoàn thành đưa vào sử dụng gồm: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Bình Minh đến cầu Kim Thành), cầu Phố Lu, Quốc lộ 4E (đoạn Bắc Ngầm - Lào Cai), đường tránh Quốc lộ 4D (đoạn qua thị xã Sa Pa); hoàn thành sửa chữa mặt đường Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279, Quốc lộ 4; đẩy nhanh tiến độ đường nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức BOT…

Đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để chuẩn bị triển khai các công trình quan trọng như Quốc lộ 279 kết nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu; Quốc lộ 4D kết nối thành phố Lào Cai với Cửa khẩu Mường Khương…

Cải tạo, sửa chữa Quốc lộ 4E đoạn qua xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

Cải tạo, sửa chữa Quốc lộ 4E đoạn qua xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

Về các tuyến tỉnh lộ, tỉnh đã hoàn thành nâng cấp Tỉnh lộ 156 (đoạn Kim Thành - Ngòi Phát); Tỉnh lộ 152 (đoạn Thanh Phú - Tà Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E - Phú Nhuận); đường Quý Xa - Tằng Loỏng; đường xã Lùng Khấu Nhin - xã Tung Chung Phố (Mường Khương); đường Xuân Thượng - Việt Tiến - Minh Chuẩn (Bảo Yên) và một số công trình cầu như cầu Ngòi Đường tại Km35+500 trên Quốc lộ 4E cũ (thành phố Lào Cai), cầu Giang Đông...

Tỉnh cũng hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai các công trình kết nối vùng, gồm: Kết nối Tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao Phố Lu); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 153 đoạn Bắc Ngầm - Bắc Hà; Tỉnh lộ 155 đoạn từ Sa Pa đến Bản Xèo (kết nối từ Sa Pa sang Y Tý); xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc); cầu Làng Giàng; cầu Phú Thịnh…

Với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hệ thống hạ tầng giao thông Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, các tuyến quốc lộ được nâng cấp cơ bản đạt trên 80% đường cấp IV miền núi trở lên, các tuyến tỉnh lộ trọng yếu đáp ứng và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các kiến thiết hạ tầng khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đặc biệt, việc hoàn thành xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu phía Trung Quốc sẽ làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), trong đó Lào Cai giữ vai trò “cầu nối” của cả nước với vùng Tây Nam Trung Quốc; rút ngắn đáng kể thời gian đi lại từ Hà Nội lên Lào Cai và các tỉnh vùng Tây Bắc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm tải cho tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và các tuyến quốc lộ, thúc đẩy phát triển cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục quy hoạch, xây dựng các tuyến đường kết nối đường cao tốc với các khu công nghiệp, thương mại, trung tâm du lịch của các địa phương trong tỉnh.

Phóng viên: Ngoài các công trình có tính chất kết nối vùng, quốc gia thì hạ tầng giao thông nông thôn ở Lào Cai được đầu tư thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Hài: Lào Cai có 800 km đường huyện (đường đến trung tâm xã), đến nay, 100% đường đến trung tâm các xã, phường đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông mặt đường.

Về các tuyến đường xã, có gần 8.000 km (bao gồm đường trục xã, trục thôn, đường nội đồng, đường ngõ xóm). Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nâng cấp và mở rộng nền khoảng 2.200 km đường giao thông nông thôn, trong đó xây dựng 1.800 km đường bê tông xi măng, mở rộng nền đường, rải cấp phối 400 km. Như vậy, đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã cứng hóa khoảng 4.600/5.970 km đường trục xã và đường liên thôn, trong đó mặt đường bê tông xi măng 3.400 km, mặt đường cấp phối 1.260 km; có 52% xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2) theo Chương trình xây dựng nông thôn mới; 100% thôn, bản có đường đến trung tâm được cứng hóa (ít nhất mỗi thôn, bản có 1 tuyến đường đến trung tâm thôn, bản được cứng hóa).

Đường ngõ xóm đã cứng hóa, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa khoảng 600/2.340 km; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa khoảng 270/450 km. Công tác bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn được quan tâm, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa.

Như vậy, hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng cao, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho nhiều vùng quê nông thôn.

Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu phát triển giao thông nông thôn của Lào Cai trong giai đoạn tới?

Ông Nguyễn Trọng Hài: Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh nâng cấp gần 450 km đường đến trung tâm các xã trọng điểm đông dân cư để phát triển du lịch, nông - lâm nghiệp và các sản phẩm hàng hóa.

Còn đối với đường giao thông nông thôn, phấn đấu 80% xã trong tỉnh đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tương ứng với việc trong giai đoạn này sẽ nâng cấp khoảng 1.900 km (bao gồm mở rộng nền đường, đổ bê tông và rải cấp phối mặt đường) với kinh phí đầu tư khoảng 2.275 tỷ đồng. Trong đó, có 100% đường trục xã (khoảng 1.000 km) được bê tông, 75% đường trục thôn (khoảng 500 km) được bê tông.

Nâng cấp, mở rộng 400 km đường thôn nối thôn từ đường mòn, đường đất có chiều rộng nền đường từ 1,5 m đến 3 m thành đường cấp C giao thông nông thôn có chiều rộng nền đường Bn=4 m, mặt đường rải cấp phối hoặc bê tông xi măng rộng 3 m.

Các tuyến đường đến trung tâm xã được nâng cấp, đường đến các thôn, bản được cứng hóa sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần giảm giá thành vận tải hàng hóa, giúp việc tiêu thụ nông sản của nông dân được dễ dàng, tăng thu nhập và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nền kinh tế thị trường, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn cũng như phục vụ đắc lực cho đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Viết Vinh (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/ket-noi-giao-thong-tao-dong-luc-phat-trien-z5n20200903095521267.htm