Kết nối giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28.6.2021của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra một số mục tiêu chính như: Cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực; chú trọng phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt...

KẾT NỐI LIÊN VÙNG

Hưng Yên có vị trí tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh, chiều dài 27km và 4 tuyến quốc lộ gồm: QL.5, QL.39, QL.38, QL.38B với tổng chiều dài trên 108km.

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa phận tỉnh

Những năm gần đây, nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá. Cùng với đó, các dự án kết nối Hưng Yên với địa phương lân cận, tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng đã được triển khai và hoàn thành. Điển hình là tổ hợp dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 2,8 nghìn tỷ đồng; dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến giao thông quan trọng kết nối Hưng Yên với Thủ đô Hà Nội (thông qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) nhanh nhất; đồng thời kết nối với các tỉnh Thái Bình, Hà Nam và đi các tỉnh phía Nam. Tuyến đường vành đai 3,5 đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài hơn 9,2km đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô đường cấp III, dài khoảng 5,4km đoạn từ QL.5 đến ĐT.379. Dự án nâng cấp, cải tạo QL.38 với quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt đường bê tông nhựa, chiều dài đoạn tuyến 16,2km…

Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Bình, tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng hàng loạt công trình giao thông kết nối như: Dự án cầu La Tiến nối hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, kết nối các tuyến đường cao tốc và quốc lộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nối tuyến đê tả sông Luộc với QL.38B và QL.39; nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường hai bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ĐT.382B)...

Có thể thấy, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được đầu tư tương đối đồng bộ, đan xen, kết nối, liên hoàn với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như: Hải Phòng, Quảng Ninh… ngày càng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Hưng Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực.

TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN BẢN ĐỒ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Đồng chí Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, sự ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Hưng Yên sẽ tiếp tục phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian của tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý.

Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, đánh giá mạng lưới, tuyến đường trọng yếu; bổ sung các tuyến giao thông bảo đảm điều kiện để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, liên thông giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; kết nối hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh với các khu kinh tế, khu công nghiệp. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong giao thương, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh cũng như các dự án kết nối vùng tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; vành đai 3,5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; trục giao thông liên kết vùng (từ ĐH.71 đến ĐT.386); tuyến nối QL.38 (Km41+300) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100); nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường hai bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ĐT.382B); đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+250) với ĐT.376...

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục huy động đa dạng nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; huy động nguồn lực Nhân dân đóng góp cùng với hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để xây dựng đường giao thông nông thôn đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công hàng năm, trung hạn, dài hạn theo quy định, bảo đảm cho nguồn lực quan trọng này nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối, mà trước hết là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

PHẠM ĐĂNG

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202112/ket-noi-giao-thong-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-fda612e/