Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Bên cạnh việc công nhận, xếp hạng sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đẩy mạnh việc kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh việc công nhận, xếp hạng sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đẩy mạnh việc kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Chương trình OCOP TP Hà Nội đề ra mục tiêu: Năm 2020, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.
Tính đến nay, Hà Nội đã công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Hiện các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng 370 sản phẩm, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2020, phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Cùng với việc phát triển sản phẩm OCOP, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cũng được thành phố triển khai kịp thời, thường xuyên, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Riêng trong năm 2020, Hà Nội đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ là mong muốn chung của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens Trịnh Kim Thư cho biết, đơn vị chuyên sản xuất và phân phối trà xạ đen, mong muốn sản phẩm đạt chất lượng sẽ được cấp chứng nhận OCOP, qua đó được các nhà bán lẻ đưa vào tiêu thụ trong các kênh phân phối.
Đại diện cho chuỗi hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+ cho biết, hiện nay, đơn vị đang có 124 siêu thị và gần 2.500 cửa hàng trên cả nước. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, đơn vị sẽ xem xét, đánh giá các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố để kết nối, mua sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối của đơn vị.
Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết: “Hiện chúng tôi đang đưa các sản phẩm OCOP vào các trường học, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội và thậm chí là lên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm OCOP tuy độc đáo, có chất lượng, nhưng còn ít người biết đến, cho nên rất cần đẩy mạnh quảng bá về chương trình này. Doanh nghiệp cũng mong thành phố Hà Nội xây dựng thêm các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP vào các tour du lịch… để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng hơn".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước. Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn tăng trưởng 4,2%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nông dân. Riêng với chương trình OCOP, Hà Nội đặt ra đến năm 2020 có 1.000 sản phẩm OCOP, đây là mục tiêu rất lớn nhưng đến thời điểm hiện nay, cơ bản thành phố đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Hà Nội có hơn 1.000 chung cư cao tầng, nên đưa sản phẩm OCOP vào các khu chung cư, siêu thị, chợ dân sinh… Đây sẽ là những kênh phân phối nhiều tiềm năng. Thành phố sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các cấp, ngành của Hà Nội tiếp tục phối hợp các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố đưa sản phẩm chất lượng cao của các tỉnh về Hà Nội và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh, thành phố, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là khu vực nông thôn ngoại thành.