Kết nối 'hệ sinh thái' xúc tiến thương mại số

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, các kênh xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến ngày càng được mở rộng, kết nối, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường trên các nền tảng số...

Các doanh nghiệp của Đồng Nai tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 7-2024. Ảnh: H.Hà

Các doanh nghiệp của Đồng Nai tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 7-2024. Ảnh: H.Hà

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nắm bắt những kiến thức cần thiết về kỹ năng kinh doanh, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và truy xuất gốc để ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, định vị chỗ đứng của mình trên môi trường internet và cập nhật nhanh nhất các xu hướng mới của thương mại điện tử...

Ứng dụng công nghệ trong xúc tiến thương mại

Theo Quyết định 1968/QĐ- TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, điểm nhấn và trọng tâm của đề án là thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Sở Công thương phối hợp Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương đã tổ chức Chương trình tập huấn “Nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại”.

Đại diện Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương) Nguyễn Văn Nin

chia sẻ, hệ sinh thái xúc tiến thương mại số mô tả môi trường, nền tảng được xây dựng dựa trên công nghệ số để thúc đẩy hoạt động thương mại và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung vào việc tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, tạo ra cơ hội kinh doanh mới...

Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số là hệ sinh thái kết cấu hạ tầng "mềm" gồm các nền tảng như: hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xúc tiến thương mại, tư vấn, huấn luyện trực tuyến, thông tin khuyến mãi, thông tin định danh điện tử...

Một số nền tảng, hệ thống được Cục Xúc tiến thương mại đã và đang triển khai ứng dụng trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số như nền tảng hội chợ, triển lãm ảo, hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM), hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (iTrace247). Bên cạnh đó còn có bản đồ xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam, hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning).

Tổng giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam (Hà Nội) Lê Anh Hưng - công ty hoạt động lĩnh vực tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chia sẻ, nhiều địa phương, đơn vị hiện nay đã xây dựng các module (thành phần) về hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số có nhiều ứng dụng, module và một trong số đó có trụ cột liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Qua đó, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa.

“Các doanh nghiệp địa phương, các chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cần hiểu đúng bản chất về hoạt động truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, xây dựng hệ thống thông tin phù hợp với đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Sau đó mới tiếp tục ứng dụng các công cụ, công nghệ thông tin để số hóa quy trình, đưa các thông tin về truy xuất nguồn gốc lên hệ thống điện tử” - ông Lê Anh Hưng cho biết thêm.

Mở rộng các kênh giao thương trực tuyến

Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, các kênh xuất khẩu trực tuyến đang trở thành xu hướng tất yếu trong thương mại toàn cầu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại trực tuyến.

Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm trong hoạt động xúc tiến thương mại đó việc tìm kiếm thị trường. Trong đó, hiện tại, doanh nghiệp cũng đang quan tâm nhiều đến các kênh về xúc tiến xuất khẩu trực tuyến, kết nối thị trường trên các nền tảng số.

Giám đốc quốc gia Sàn thương mại điện tử Alibaba. com tại Việt Nam Mike Zhang cho rằng, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp địa phương cần thực sự tìm hiểu thêm để biết cách giới thiệu sản phẩm thật tốt. Bởi những nhà mua hàng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) quốc tế ngày càng muốn xem các sản phẩm đa dạng và khác nhau tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp ở Việt Nam càng đăng nhiều sản phẩm trực tuyến, thì sẽ càng có thêm cơ hội nhận được nhiều khách hàng tiềm năng.

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ vừa được Bộ Công thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7-2024, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương Vũ Bá Phú chia sẻ, Cục Xúc tiến thương mại đã xây dựng xong nền tảng hệ thống thông tin dữ liệu quản trị và xúc tiến thương mại, cho phép nhiều cơ quan liên quan như các sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội ngành hàng đều có thể tham gia cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống để cập nhật thông tin thị trường và cùng làm giàu dữ liệu cho hệ thống. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức hướng dẫn cho các bên liên quan tham gia vận hành và khai thác hệ thống.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202408/ket-noi-he-sinh-thai-xuc-tien-thuong-mai-so-d4e4652/