Kết nối, hỗ trợ kịp thời sản xuất, kinh doanh

Để cùng doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng (NH) trên địa bàn đẩy mạnh mối quan hệ tín dụng giữa NH với DN bằng nhiều giải pháp, trong đó tích cực triển khai Chương trình kết nối NH - DN.

Từ nguồn vốn vay cam kết của Chương trình kết nối NH-DN, nhiều DN đầu tư dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Từ nguồn vốn vay cam kết của Chương trình kết nối NH-DN, nhiều DN đầu tư dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chương trình kết nối NH - DN giống như “phao cứu trợ” cho DN trong tình hình kinh tế có nhiều biến động. Không chỉ đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho các DN tham gia kết nối, thông qua chương trình, các NH, tổ chức tín dụng cũng nắm bắt kịp thời nhu cầu tín dụng của tổ chức, cá nhân. Qua đó tập trung cho vay tới những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như: Công nghiệp hỗ trợ, xuất, nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ... Đồng thời, tại nhiều địa bàn, các NH thương mại còn tập trung đánh giá, phân loại khách hàng theo từng nhóm để từ đó có những chính sách hỗ trợ tương ứng. Ngoài đối tượng chính là DN, trong Chương trình kết nối NH-DN, các NH cũng đã mở rộng cho vay đối tượng khách hàng là hợp tác xã.

Ông Nguyễn Trung Chính - Giám đốc BIDV Hùng Vương cho biết: Quan điểm của BIDV là không phân biệt đối xử các thành phần kinh tế, dù là DN lớn, DN vừa và nhỏ hay hợp tác xã... tất cả đều bình đẳng trong quan hệ tín dụng. Đơn vị luôn tìm mọi giải pháp để đồng hành cùng khách hàng. Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa NH và DN trong thời gian qua thực sự hiệu quả, giúp hai bên thấu hiểu, chia sẻ, cùng bàn bạc để khơi thông nguồn vốn. Một mặt giúp DN đáp ứng được các điều kiện đặt ra của NH để tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, mặt khác giúp NH ngày càng phát triển, hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.

Chương trình kết nối đã tạo thêm “kênh tiếp vốn” quan trọng, không chỉ tháo gỡ kịp thời những vấn đề về vốn, giúp các DN được tiếp cận vốn vay ưu đãi của NH với lãi suất hợp lý mà còn thể hiện sự tín nhiệm của NH đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Về phía các DN ngày càng nhận thấy rõ sự cần thiết của tính minh bạch về tài chính, tăng cường năng lực, trình độ quản trị DN cũng như xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi.

Thông qua Chương trình kết nối NH - DN đã có hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn tín dụng mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2023, các NH đã tổ chức sáu hội nghị đối thoại với DN và thực hiện cam kết cho vay trong năm là 5.742 tỷ đồng. Trong năm đã có 447 DN được vay vốn theo chương trình với dư nợ đạt 6.613 tỷ đồng. Cũng qua chương trình kết nối, NH đã cơ cấu lại nợ cho 18 khách hàng với dư nợ 51 tỷ đồng.

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh khẳng định: Đối thoại trực tiếp giữa NH và DN trên địa bàn đã giúp NHNN nắm bắt được khó khăn, vướng mắc từ hai phía liên quan đến việc tiếp cận các chính sách tín dụng. Đồng thời lắng nghe ý kiến của sở, ngành có liên quan, các hiệp hội DN... tham dự chương trình để có cái nhìn toàn diện, đánh giá đầy đủ tình hình, thực trạng của các DN trên địa bàn, nhận diện những khó khăn của DN cũng như khó khăn trong tiếp cận vốn vay tại NH. Từ đó có các giải pháp tháo gỡ cụ thể đối với từng DN hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đối với những nội dung liên quan đến điều kiện cấp vốn.

Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường phối hợp thực hiện Chương trình kết nối NH-DN gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với các DN, trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, chủ động phản hồi thông tin, trao đổi trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng thương mại nơi DN có quan hệ tín dụng để được xem xét, xử lý...

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/ket-noi-ho-tro-kip-thoi-san-xuat-kinh-doanh/209153.htm