Kết nối 'mạch máu' giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng Sông Cửu Long với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, cũng phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km) nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ

Bộ GTVT mới có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ là QL53, QL62, QL91B tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, tuyến QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si và cầu Ngã Tư có điểm đầu tại tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối tại tỉnh Trà Vinh với tổng chiều dài hơn 40 km.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn – QL 45. Ảnh: Phác Trịnh

Tuyến QL62 qua tỉnh Long An có điểm đầu tại thành phố Tân An, tỉnh Long An. Điểm cuối tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An với tổng chiều dài khoảng 76 km. Tuyến QL91B (tuyến Nam Sông Hậu) đoạn ngã 5 cầu Cần Thơ - Bạc Liêu có điểm đầu tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Điểm cuối tại TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với tổng chiều dài hơn 141 km. Về quy mô, hai tuyến quốc lộ là QL53 và QL62 sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ mặt cắt ngang theo hiện trạng.

Đối với QL91B (tuyến Nam Sông Hậu), đoạn 1 từ ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui sẽ giữ nguyên theo hiện trạng. Đoạn từ cầu Cái Cui đến ngã ba giao giữa QL91B với tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu và đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng được mở rộng mặt đường rộng11m. Những đoạn nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6m được mở rộng, nâng cấp lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.

Nối thông cao tốc đến cực Nam Tổ quốc

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng vừa phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính. Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng. Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án (QLDA) rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao làm chủ đầu tư các dự án thành phần.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đến ngày 30/11/2022 bàn giao 70% diện tích GPMB cho dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu, xây dựng kế hoạch vốn để triển khai công tác GPMB, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 25/7/2022.

Đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng cho 3 dự án

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư 3 dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ là QL53, QL62, QL91B tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 7.158 tỷ đồng (tương đương khoảng 309,44 triệu USD). Trong số đó, vốn vay WB hơn 5.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 242 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế. Vốn đối ứng hơn 1.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 67 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục như chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong vòng 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 - 2027).

Nhằm đáp ứng tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần hoàn thành trước ngày 10/12/2022, khởi công trước ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ, Bộ GTVT cũng ấn định hàng loạt mốc thời gian các Ban QLDA cần thực hiện. Cụ thể, hoàn thành công tác phê duyệt đề cương nhiệm vụ trước ngày 22/7/2022. Thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn thẩm tra, hoàn thành trước ngày 25/7/2022. Lập kế hoạch triển khai chi tiết công tác khảo sát hiện trường (địa hình, địa chất, thủy văn), thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình, lập dự toán, trình thẩm định, phê duyệt... đảm bảo tính khả thi và đáp ứng tiến độ yêu cầu, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 25/7/2022.

Các Ban QLDA khẩn trương rà soát hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải đã thực hiện bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm việc với các địa phương (nếu cần) để thống nhất các mỏ vật liệu, các vị trí đổ thải vật liệu, các tuyến đường công vụ phục vụ thi công, đảm bảo đủ cho nhu cầu dự án. Thống nhất với các địa phương về vị trí, quy mô các trạm dừng nghỉ trên tuyến; xác định các thủ tục cần thiết đối với hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải làm cơ sở triển khai thực hiện. Tiếp tục làm việc với các địa phương để công bố giá vật liệu xây dựng đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần và chỉ số giá xây dựng hàng tháng áp dụng cho dự án.

Trên cơ sở định hướng một số nguyên tắc, giải pháp thiết kế lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được chấp thuận, Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban QLDA rà soát giải pháp thiết kế bước thiết kế kỹ thuật đối với các hạng mục công trình trên tuyến như cầu, hầm, cống thoát nước, gia cố mái dốc ta luy, hệ thống an toàn giao thông..., đảm bảo tính thống nhất chung cho cả dự án.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ket-noi-mach-mau-giao-thong-dong-bang-song-cuu-long-109365.html