Kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thêm cơ hội thành công cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp
– Thời gian gần đây, một số cá nhân, nhóm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ quảng bá sản phẩm tìm kiếm thị trường và công nghệ, trang thiết bị. Qua đó, góp phần hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay phần lớn dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh là phát triển sản phẩm truyền thống địa phương theo hướng hàng hóa, chế biến thực phẩm, phát triển dịch vụ… Để ý tưởng khởi nghiệp thành công, người thực hiện ý tưởng còn phải có những kiến thức, kỹ năng điều hành hoạt động sản xuất, kinh danh, quản lý vốn, thực hiện các thủ tục pháp lý, phát triển thị trường, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản… Nếu không có sự bồi dưỡng, hoàn thiện thì tập thể, cá nhân khởi nghiệp rất khó để thành công, chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động kết nối các thành phần hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong cả nước để thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh phát triển và hỗ trợ tích cực cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp.
Bà Nông Hà Thơ, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thực hiện mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tập trung nâng cao năng lực cho hệ sinh thái KNĐMST; tư vấn, hỗ trợ KNĐMST; tổ chức và tham gia các sự kiện. Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái cũng như kết nối với các tổ chức hỗ trợ KNĐMST trong cả nước nhằm tăng thêm cơ hội thành công cho các dự án trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trên, ngay từ đầu năm 2022, Sở KH&CN đã ký kết các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST với Hội đồng cố vấn KNĐMST quốc gia (VSMA), Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST (NSSC), Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh. Sở cũng kết nối với chuyên gia của VSMA, Làng Nông nghiệp thông minh tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Thành phần trong hệ sinh thái được chia nhỏ, mỗi nhóm được đào tạo riêng như: đối tượng hỗ trợ hệ sinh thái được định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, công tác tham mưu, kỹ năng cố vấn, huấn luyện khởi nghiệp; doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu, khả năng phân tích môi trường kinh doanh; các cá nhân, nhóm khởi nghiệp được đào tạo về kinh nghiệm xây dựng dự án, tìm hiểu nhu cầu thị trường, công nghệ hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Thực hiện mục tiêu tư vấn, hỗ trợ KNĐMST, Sở KH&CN đã mời chuyên gia, cố vấn đến trực tiếp các mô hình, dự án để tư vấn, hướng dẫn phát triển, hoàn thiện sản phẩm, đồng thời có sự trao đổi thường xuyên nhằm kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Đa số dự án tham gia Cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh đều đã và đang được triển khai trong thực tiễn, do đó, ban tổ chức cuộc thi đã chủ động tạo điều kiện cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp tham gia các khóa tư vấn phát triển mô hình, dự án. Để các cá nhân, nhóm khởi nghiệp có định hướng, kinh nghiệm trong triển khai mô hình, dự án, Sở KH&CN đã tổ chức các đoàn công tác tham gia sự kiện KNĐMST trong cả nước để quảng bá, tìm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, sở đã tiến hành rà soát nhu cầu hỗ trợ của các cá nhân, nhóm khởi nghiệp để tìm kiếm sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, vật tư, trang thiết bị sản xuất… từ các tổ chức, doanh nghiệp.
Kết quả, từ năm 2022 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp tổ chức 16 lớp bồi dưỡng kỹ năng KNĐMST cho gần 1.500 học viên trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Sở KH&CN tỉnh Lai Châu, Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến sản phẩm sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… lựa chọn, tư vấn phát triển 5 dự án, mô hình KNĐMST có tiềm năng của các cá nhân, HTX gồm: HTX Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia; HTX Du lịch nông nghiệp Xứ Lạng, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng; HTX Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng; Cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh, xã Đình Lập, huyện Đình Lập; Hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Quyết, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn. Cùng đó kết nối về thị trường, đầu tư cho 5 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gồm: bún ngô Thuận Anh, heo khô mác mật, na Chi Lăng, dầu sở Xứ Lạng, vịt quay mác mật; xây dựng 7 gian hàng sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh trên ứng dụng công nghệ không gian số Techfest247; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho 2 HTX, cơ sở sản xuất; đưa nội dung hỗ trợ tư vấn công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình chế biến sản phẩm hồng treo gió và hồng sấy dẻo của HTX Toàn Thương (Văn Lãng) vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Ngoài ra, còn tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp tham gia cuộc thi KNĐMST khu vực, toàn quốc, tham gia các chương trình đào tạo về khởi nghiệp ngoài tỉnh… Hầu hết các mô hình, dự án được hỗ trợ đều được áp dụng vào thực tiễn, các chủ thể xác định đúng hướng phát triển sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Hoàng Hải Phòng, Phó Giám đốc HTX Du lịch Nông nghiệp Xứ Lạng, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Trước đây, mô hình trồng nho, dâu tây của tôi chỉ được triển khai trên địa bàn thành phố với quy mô nhỏ lẻ, sau khi được các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, tôi đã phối hợp với một số hộ dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng để thành lập hợp tác xã và phát triển theo hướng nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch sinh thái. Vừa qua, tham gia hội thảo Kết nối thúc đẩy KNĐMST khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại tỉnh Nam Định vào tháng 5/2023 chúng tôi đã nhận được gói hỗ trợ lên đến 50 triệu đồng từ Hệ sinh thái Mevi Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư DALANI. Với gói hỗ trợ này chúng tôi được tư vấn chuyển giao công nghệ xử lý sâu bệnh hại, cải tạo vườn cây ăn quả, phân hữu cơ dạng bột, phân hữu cơ dạng nước, đạm cá hữu cơ, dịch chuối kali hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thảo dược… góp phần giúp đơn vị phát triển nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch sinh thái phát triển bền vững, hiệu quả.
Để các sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đến các thị trường trong và ngoài nước, các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì việc kết nối học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, quảng bá, phát triển sản phẩm là nội dung quan trọng cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, thời gian tới, công tác kết nối mạng lưới KNĐMST sẽ tiếp tục được Sở KH&CN đẩy mạnh triển khai với nhiều nội dung đa dạng, có ý nghĩa thiết thực với các cá nhân, nhóm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.