Kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trong cả nước

Truyền thông chính sách thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần trong công tác xây dựng Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước có tiềm năng rất lớn trong việc truyền thông chính sách, cung cấp thông tin nguồn...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp thiết thực để công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Quang Thương

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp thiết thực để công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Quang Thương

Sáng 12/8, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức giữa Cổng TTĐT Chính phủ và các Cổng TTĐT của các cơ quan bộ, ngành Trung ương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn dự và chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh và đại diện người phát ngôn, của lãnh đạo Văn phòng, của 25 lãnh đạo quản lý Cổng TTĐT, Trung tâm thông tin, đơn vị phụ trách thông tin truyền thông của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trao đổi, chia sẻ, đưa giải pháp cho công tác thông tin, truyền thông ngày càng hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, cùng nhau nhìn nhận đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực để công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác quản lý điều hành của các bộ, ngành theo từng lĩnh vực được ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng nơi điểm truy cập thông tin của người dân, doanh nghiệp; là địa chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cổng TTĐT không những là tiếng nói, là cầu nối chính quyền với người dân và doanh nghiệp, mà còn là đơn vị chủ lực, trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ "xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng".

Những năm qua, hoạt động của các Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Cổng TTĐT của các bộ, ngành có vai trò kết nối, hướng dẫn nghiệp vụ kết hợp thông tin đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin và truyền thông, truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, truyền thông chính sách thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần trong công tác xây dựng Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; chất lượng dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, trong một xã hội thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, với vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, vấn đề đặt ra cho chúng ta là bài toán làm sao để tiếp tục phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn để tiếp tục khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin chính thức, chính thống, tập trung của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, thực hiện hiệu quả việc định hướng thông tin báo chí và dư luận xã hội, là cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa Chính phủ, giữa các bộ, ngành với người dân và doanh nghiệp, là diễn đàn của nhân dân...

Hội nghị là dịp để Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT các bộ, ngành cùng nhau trao đổi, làm rõ các kinh nghiệm, các mặt được và cả chưa được, và đề ra các giải pháp để phát triển hơn nữa để thời gian tới làm tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, trong các phương thức truyền thông hiện nay, Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh: VGP/Quang Thương

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, trong các phương thức truyền thông hiện nay, Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh: VGP/Quang Thương

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, trong các phương thức truyền thông hiện nay, Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn, thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân. Cổng TTĐT các cấp đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ.

"Chúng tôi nhận thấy Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cổng TTĐT là phương thức duy nhất làm một lúc hai việc là vừa cung cấp thông tin vừa tương tác với người dân. Nhiều Cổng TTĐT có lượng truy cập ngày càng tăng, có những mục, những chuyên trang vượt lên một số báo điện tử lớn", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Để tăng tương tác hơn, Thứ trưởng Bộ TT&TT gợi mở, một số Cổng TTĐT đã triển khai các hình thức tương tác mới, hướng tới khai thác dữ liệu. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội thông qua dữ liệu. Đây là dữ liệu sống, cập nhật thường xuyên. Đây là nét mới, tương đối đột phá trong cách thức cung cấp thông tin đến người dân. Người dân có thể truy cập, tùy biến, sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình. Người dân có thể tiếp cận thông tin mà mình muốn, thay vì tiếp cận dữ liệu thông qua hình ảnh, thông tin, dữ liệu một chiều, ở dạng tĩnh như trước đây.

Người dân trong tương lai gần có thể hỏi bằng giọng nói những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp trên Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước. Ví dụ như hỏi về quy định mới liên quan đến giấy phép xây dựng, hay phản hồi là tại sao tôi đã gửi hồ sơ 10 ngày rồi mà chưa trả lời. Những việc này sẽ dựa trên các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, dựa trên các giao thức về ngôn ngữ tự nhiên. Chúng ta nhìn thấy các cơ hội, các cơ sở dữ liệu do chúng ta kiểm soát có thể đưa ra để đáp ứng nhu cầu giao tiếp và trả lời thông tin của người dân.

"Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về việc hình thành, kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trong cả nước. Chúng tôi được biết Cổng TTĐT Chính phủ là cơ quan dẫn dắt việc này, đã có sáng kiến và kế hoạch để kết nối các Cổng TTĐT của các Bộ, ngành địa phương. Bên cạnh chủ trương và quyết tâm chính trị rất đúng đắn này chúng ra phải chuẩn bị điều kiện kỹ thuật và giao thức để thực hiện", ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Thông tư về quy định chức năng, tính năng kỹ thuật của các Cổng TTĐT, Trang TTĐT của các cơ quan Nhà nước.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ kinh nghiệm phát huy vị thế, vai trò để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Quang Thương

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ kinh nghiệm phát huy vị thế, vai trò để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Quang Thương

Thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, chú trọng truyền thông trên mạng xã hội

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ kinh nghiệm phát huy vị thế, vai trò để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Hồng Sâm, thứ nhất, cần cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra sự cố hay khủng hoảng truyền thông. Các Cổng thông tin thường năm trong Văn phòng, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo bộ, ngành, được quyền tiếp cận thông tin rất sớm nhưng nội dung chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành đó.

Khi có nội dung cần truyền thông, các cơ quan báo chí đưa tin theo tôn chỉ mục đích riêng, nhưng đối với Cổng TTĐT với tư cách là nơi phát ra thông tin nguồn, chính xác nhất nên để không có cách hiểu, các suy diễn khác nhau thì tất cả các thông tin liên quan đến chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành đều được Cổng TTĐT phát ra.

Một kinh nghiệm nữa là bên cạnh việc tuyên truyền trên các nền tảng truyền thống, "chúng ta cũng cần chú trọng việc tổ chức truyền thông trên mạng xã hội. Hiện nay, có nhiều nền tảng mạng xã hội và Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã tận dụng ưu thế của các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtobe… để tổ chức truyền thông, đơn cử Fanpage của Thông tin Chính phủ hiện có trên 4 triệu thành viên.

Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội cũng như "con dao hai lưỡi" đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được công nghệ khi vận hành, nếu không rất dễ trở thành nạn nhân. Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện phương châm thực hiện tất cả những phương tiện, công cụ mình có trong tay để truyền tải thông điệp, thông tin một các chính xác nhất, nhanh nhất đến với độc giả, đến với người dân.

Cũng thông qua các nền tảng mạng xã hội giúp đưa thông tin từ cuộc sống đến cơ quan Nhà nước, từ đó giúp các cơ quan này đưa ra các chỉ đạo, điều hành nhanh nhất, chính xác nhất. Điều quan trọng ở đây là cần kiểm soát các bình luận để tránh lan truyền thông tin tiêu cực qua các bình luận trên mạng xã hội.

Đối với công tác truyền thông về chính sách, từ ngày 21/6/2022, Cổng TTĐT Chính phủ vận hành chuyên trang Xây dựng chính sách, pháp luật để truyền thông toàn bộ vòng đời chính sách. Qua hơn một năm, lượng người truy cập trên chuyên trang đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Đối với công tác tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, Cổng TTĐT Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức với sự tham gia của gần 120 cơ quan báo chí chính thống trong cả nước. Với sự phối hợp của các vụ, cục liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, công tác tổ chức các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ rất hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Đại biểu dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Quang Thương

Đại biểu dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Quang Thương

Cầu nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp

Đại diện các bộ, ngành đã chia sẻ về liên kết thông tin - nghiệp vụ, kết nối, chia sẻ, phối hợp tạo ra những hiệu ứng truyền thông, gia tăng thêm giá trị, tối ưu hóa hoạt động của Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Bộ Quốc phòng; công tác truyền thông chính sách về an ninh, trật tự trên Cổng TTĐT Bộ Công an; việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Phó Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Đăng Ngọc chia sẻ về giải pháp nền tảng Cổng TTĐT của các bộ, ban, ngành cộng hưởng với Cổng TTĐT Chính phủ để các nội dung muốn truyền tải được phủ một cách rộng nhất và nhanh nhất…

Hội nghị đã đánh giá thực trạng hoạt động của các Cổng TTĐT hiện nay, những mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân, đề xuất giải pháp, rút ra các kinh nghiệm, trao đổi về các cách làm hay, nhất là hiện nay còn nhiều điểm khác nhau đối hoạt động Cổng TTĐT ở các bộ, ngành, những vướng mắc khi thực hiện nghiệp vụ của mình. Đồng thời thảo luận, làm rõ hơn nữa để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các Cổng TTĐT đối với hoạt động của các bộ, ngành.

Các đại biểu cũng nêu lên thực trạng hoạt động, các khó khăn, vướng mắc, từ đó nêu đề nghị Văn phòng Chính phủ thường xuyên tổ chức các hội nghị để hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành. Đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chương trình hoặc lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác truyền thông chính sách của Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương; đề nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thống nhất đơn vị quản lý, vận hành Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, công tác thông tin và truyền thông thời gian qua đã đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách, trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực. Qua ý kiến phát biểu có thể khẳng định, Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương là địa chỉ cung cấp thông tin trực tuyến rất quan trọng; không những là tiếng nói, cầu nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp mà còn vai trò quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến cung cấp các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Qua thảo luận thấy rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế thời gian tới cần khắc phục sớm nhất, đặc biệt các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị Cổng TTĐT tập hợp kiến nghị, đề xuất, những tham luận của các bộ, ngành, từ đó tổng hợp lại thành từng nhóm vấn đề để kiến nghị các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp giải quyết vấn đề kịp thời và nhanh nhất.

Mai Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ket-noi-mang-luoi-truyen-thong-chinh-sach-trong-ca-nuoc-102230812181356501.htm