Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân
Sáng 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân.
Đây là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh kết nối với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, mặc dù, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế của cả nước năm 2021 tăng ngay từ đầu năm, riêng 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,38%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 1%.
Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp trong đó có nhiều chính sách đặc thù như: chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, chương trình cho vay hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 113 tổ chức tín dụng gồm 34 chi nhánh ngân hàng, 2 tổ chức tài chính vi mô, 67 quỹ tín dụng nhân dân và 10 chi nhánh công ty tài chính. Toàn tỉnh có 5.660 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 47.302 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, hỗ trợ tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sớm ban hành Luật về xử lý nợ xấu, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ. Bên cạnh đó sửa đổi Nghị định số 67 theo hướng cho phép ngân hàng được thu giữ tàu trong trường hợp ngư dân không trả được nợ để bàn giao lại tàu cho ngư dân khác đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị Thanh Hóa cần tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế của tỉnh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng mong muốn tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động trong ngắn hạn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn, đảm bảo an sinh xã hội để người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động sản xuất; đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp… đẩy mạnh việc ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phản ánh các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phải đối mặt do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như những giải pháp của tỉnh Thanh Hóa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh ổn đinh, phấn đấu tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Bình quân tăng trưởng tín dụng năm 2021 tăng 16,45% cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%… Các tổ chức tín dụng đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân thông qua việc tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới…
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; điều hành linh hoạt các giải pháp tính dụng; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường phối hợp với các địa phương trong cả nước triển khai rộng rãi chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp…
Cùng với đó, các tổ chức ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trao hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng cho 1 số dự án lớn trên địa bàn tỉnh, cam kết tài trợ vốn cho các doanh nghiệp với tổng số tiền là 21.055 tỷ đồng.