Kết nối người dân làm việc tốt

Đại đức Thạch Sa Huỳnh là một trong số ít người dân tộc thiểu số (DTTS) vừa là trụ trì chùa Hoa Sơn, (P.Phú Bình, TP.Long Khánh), vừa là người có uy tín trong đồng bào DTTS tại địa phương.

Đại đức Thạch Sa Huỳnh, trụ trì chùa Hoa Sơn (P.Phú Bình, TP.Long Khánh, giữa) được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng nhân dịp lễ của đồng bào Khmer năm 2022. Ảnh: S.THAO

Đại đức Thạch Sa Huỳnh, trụ trì chùa Hoa Sơn (P.Phú Bình, TP.Long Khánh, giữa) được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng nhân dịp lễ của đồng bào Khmer năm 2022. Ảnh: S.THAO

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đại đức Thạch Sa Huỳnh đã có nhiều đóng góp đối với hoạt động khuyến học, bảo tồn văn hóa truyền thống, hướng người dân đến những việc làm thiện nguyện.

* Trợ giúp người khó khăn

Đại đức Thạch Sa Huỳnh cho hay, năm 2007, ông về trụ trì chùa Hoa Sơn. Đến năm 2018, ông đảm nhận thêm vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng bào Khmer tại đây có gần 500 người. Ngoài ra, mỗi dịp lễ trọng có gần 1 ngàn đồng bào Khmer từ các tỉnh Tây Nam bộ đến làm việc tại những huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh chọn chùa Hoa Sơn là nơi sinh hoạt tôn giáo.

Đa số những người này đều sống xa gia đình và sinh sống tại các khu vực nhà trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vậy nên, để trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần, đại đức Thạch Sa Huỳnh đã kết nối bà con xây dựng nên những hoạt động trợ giúp cộng đồng. Trong đó, mỗi năm thông qua vận động ông đều tặng quà cho học sinh vượt khó học tốt; tặng gạo, thực phẩm cho những hoàn cảnh kém may mắn.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, cả nước hiện có 1,2 triệu đồng bào Khmer. Trong số này, Đồng Nai hiện là nơi sinh sống của trên 23,5 ngàn người Khmer.

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh, trong số những học sinh, sinh viên đồng bào Khmer được đại đức Thạch Sa Huỳnh hỗ trợ, có 1 sinh viên được trợ giúp chi phí học tập để hoàn thành chương trình 4 năm học đại học. Sau quá trình học tập, đến nay sinh viên này đã có việc làm ổn định và trợ giúp cho thế hệ đàn em trong cộng đồng.

Thông qua những bài giảng Phật pháp, những dịp lễ hội diễn ra tại chùa, đại đức Thạch Sa Huỳnh khuyến khích mọi người hướng thiện, chấp hành quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng nơi sinh sống. Những dịp này, ông lắng nghe chia sẻ của đồng bào để kịp thời tháo gỡ khúc mắc cho bà con về các chế độ, chính sách nhà nước triển khai trong đồng bào DTTS theo khả năng của mình. Với những kiến nghị, mong mỏi của bà con cần cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, ông tiếp thu rồi đề đạt với chính quyền địa phương sau đó thông tin kết quả đến bà con.

“Thông qua từng buổi gặp mặt, trò chuyện trực tiếp hoặc qua thiết bị di động, tôi nhắc nhở cha mẹ cố gắng tạo điều kiện cho con em trong cộng đồng đến trường. Đồng thời, cha mẹ làm gương tốt cho con em noi theo. Riêng với các em, tôi động viên từng học sinh, sinh viên cố gắng vì chính mình mà nỗ lực học tập. Quá trình sinh hoạt phải hòa đồng với mọi người. Khi điều khiển xe máy thì không phóng nhanh vượt ẩu, chạy xe phải đội mũ bảo hiểm…” - đại đức Thạch Sa Huỳnh nói.

* Chủ động bảo tồn văn hóa

Ông Đặng Thanh Hiếu cho hay, đại đức Thạch Sa Huỳnh đã phát huy tốt ảnh hưởng của người có uy tín trong đồng bào DTTS, vai trò chức sắc tôn giáo để xây dựng nên các mô hình hay cũng như vận động đồng bào chung tay thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, nhất là bảo tồn văn hóa truyền thống cộng đồng Khmer.

Cụ thể, thời gian qua, Đại đức Thạch Sa Huỳnh đã chủ động dạy kèm chữ cho bà con. Nhờ vậy mà việc đọc, viết của nhiều người bằng tiếng Khmer, tiếng Việt đã được cải thiện.

Ông DANH TRUNG (quê tỉnh Trà Vinh, làm việc tại H.Thống Nhất) cho hay, thông qua từng buổi sinh hoạt tại chùa, đặc biệt là những cuộc trò chuyện của đại đức Thạch Sa Huỳnh, nhắc nhở từng cá nhân cố gắng, nỗ lực trong lao động để có cuộc sống tốt hơn.

Theo đại đức Thạch Sa Huỳnh, nhu cầu học chữ Khmer của bà con là rất lớn, trong khi ông phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau nên nếu tổ chức lớp thì không thể đảm nhận được. Vậy nên, đại đức Thạch Sa Huỳnh đã liên hệ và được chính quyền địa phương phối hợp mời giáo viên về tổ chức lớp dạy chữ Khmer ngay tại chùa.

Đồng thời, để giữ gìn nét văn hóa âm nhạc của cộng đồng, đại đức Thạch Sa Huỳnh còn xây dựng, tổ chức lớp tập luyện đàn ngũ âm. Bởi theo đại đức Thạch Sa Huỳnh: “Nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, do số dân ít, lại không có người chủ trì nên thời gian dài cộng đồng tại Long Khánh không duy trì được dàn nhạc này. Đây là điều bà con rất trăn trở”.

Để thu hút được các em trong cộng đồng đến tập luyện, đại đức Thạch Sa Huỳnh gặp gỡ từng gia đình, khuyến khích trẻ em đến nghe biểu diễn, thử tập đàn. Qua đó, ngày càng có nhiều trẻ em trong đồng bào đăng ký sinh hoạt lớp học đàn.

Ngoài ra, theo đại đức Thạch Sa Huỳnh, việc giữ gìn vệ sinh chung của bà con có nơi có lúc chưa thật tốt nên ông đều cố dành thời gian đến để trò chuyện cùng bà con và dần dần mỗi nhà đã có những cách xử lý tốt hơn nhằm góp phần cải thiện vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202308/ket-noi-nguoi-dan-lam-viec-tot-3173142/