Kết nối nhà sản xuất đầu cuối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

25 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối và 70 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia 'Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ' năm 2019, vừa được khai mạc ngày 11-9 tại TPHCM, để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

 Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trưng bày sản phẩm để giới thiệu với nhà mua hàng tiềm năng. Ảnh: Tâm An

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trưng bày sản phẩm để giới thiệu với nhà mua hàng tiềm năng. Ảnh: Tâm An

Đây là chương trình do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với các đơn vị tổ chức. Dự kiến sẽ có khoảng 300 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa hai bên nhằm chia sẻ thông tin, đặt cơ sở cho việc hợp tác sau đó.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm đầu tiên tổ chức sự kiện 2018, hội nghị đã đạt được những kết quả khá khả quan: 17 doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí; 80 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đã có hơn 242 cuộc tiếp xúc trực tiếp tại sự kiện. Sau hội nghị 2018, theo ghi nhận của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, có 36,4% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá; 47,5% nhà mua hàng đề nghị đi thăm nhà máy; 85,8% đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi… Sau đó, hai bên cũng đã cụ thể hóa bằng các buổi tham quan nhà máy, cung cấp bảng báo giá, gửi hàng mẫu…

Hội nghị năm 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày, từ 11 đến 12-9 với nhiều hoạt động như trao đổi, tiếp xúc trực tiếp hai bên; trưng bày sản phẩm; tham quan nhà máy nhằm học hỏi kinh nghiệm về mô hình 5S, Kaizen theo tiêu chuẩn quốc tế và hội thảo chuyên ngành.

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốcc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit cho biết, chương trình kết nối mà cơ quan quản lý tổ chức tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ các nhà mua hàng. Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần bán nhưng thường gặp khó khăn trong việc tự tìm kiếm khách hàng. Việc trao đổi trực tiếp (B2B) sẽ giúp hai bên nắm bắt thông tin và tiến tới những bước sâu hơn như đánh giá nhà cung ứng, hợp tác…

Từ trải nghiệm của mình (đang được Samsung hỗ trợ), ông Hiệu nhấn mạnh, để có thể cung ứng hàng cho những doanh nghiệp toàn cầu, các công ty Việt Nam cần phải thay đổi và có hệ thống quản trị tiên tiến; đầu tư công nghệ thiết bị, chú trọng vấn đề môi trường… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà mua hàng. Đây cũng là cách để đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách bán hàng, giao hàng, xử lý sau bán hàng.

Tâm An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293965/ket-noi-nha-san-xuat-dau-cuoi-voi-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro.html