Kết nối như nào để Long An và TP Hồ Chí Minh phát triển

Long An vùng đất cửa ngõ, là cầu nối liên kết TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được đánh giá có thế mạnh về tương lai sẽ là khu vực đô thị chia sẻ mật độ dân cư với TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Đặng Thúy Hà – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An: “Thời gian này, đầu tư vào tỉnh Long An đã bắt đầu có khởi sắc, nhằm phát triển trong tương lai nên tỉnh sẵn sàn chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”.

Tại Hội thảo “Long An – TP Hồ Chí Minh kết nối phát triển” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với CLB địa ốc Saigon Times (thuộc Saigon Times Club) tổ chức nhằm nhìn lại những tiềm năng của khu vực phía Tây TP Hồ Chí Minh, mà trọng điểm là kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An, tìm kiếm thêm các giải pháp phát triển cho khu vực này.

Chưa có nghiên cứu phát triển mở rộng TP Hồ Chí Minh về hướng này

Các chuyên gia đã có cái nhìn đa chiều về địa phương này, những số liệu tại Hội thảo đã giúp mọi người có cái nhìn khái quát hơn về nơi được kết nối với TP Hồ Chí Minh bằng nhiều địa phương trong tỉnh.

Các chuyên gia cũng đánh giá trong những năm qua, Long An đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá với các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, sắp tới là cao tốc Bến Lức - Long Thành... Điều đó đã góp phần tạo vùng đệm quan trọng cho trục kết nối Long An – TP Hồ Chí Minh.

Tuy vậy nhiều nhận định tại Hội thảo cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh này hiện vẫn chưa phát triển xứng tầm, tạo rào cản trong thu hút đầu tư như: Nhiều tuyến đường nhỏ có quy mô tải trọng khá thấp, là cản ngại trong thu hút các nhà đầu tư lớn; việc đầu tư chưa tập trung vào những công trình quan trọng mang tính chiến lược để phát triển công nghiệp, đặc biệt là chưa hình thành được các trục đường chính ngoài hàng rào kết nối khu, cụm công nghiệp; giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh thực hiện còn chậm, chưa phát huy được lợi thế tối ưu.

Theo số liệu, hiện toàn tỉnh có 28 Khu công nghiệp và 32 Cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500 ha. Trong đó, 16 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 Cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%.

Dưới góc độ nhà quy hoạch, ông Nguyễn Thiềm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Về nghiên cứu quy hoạch từ thời mở cửa năm 1980 tới nay, các nhà nghiên cứu đã có rất nhiều đề án mở rộng phát triển khu vực quanh TP Hồ Chí Minh. Trong đó, khu vực phía Bắc thì Bình Dương đã kết nối thành công, phía Nam có sự kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng phía Tây – khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giáp ranh là Long An thì chưa có nghiên cứu nào”.

Lý giải về câu chuyện này, ông Thiềm cho biết: “Khu vực giáp ranh có chiều dài gần 100 km, quanh phía Tây của TP Hồ Chí Minh, nhưng tới năm 2000 vẫn chưa có đề xuất, nghiên cứu nào quy hoạch liên kết giữa Long An và TP Hồ Chí Minh”.

Theo ông Thiềm thì nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên của tỉnh Long An, đặc biệt là khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức có nhiều hạn chế cho phát triển bất động sản như: Nền đất thấp, nhiều sông rạch - tạo ra không gian đẹp nhưng trong đầu tư thì phải san lấp nên giá thành cao. Chưa kể, khu vực này địa chất công trình yếu; nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy cho cấp nước. Hiện tại Long An phải lấy nước từ rất xa (hồ Dầu Tiếng).

Thêm vào đó, phần lớn đất đai được canh tác lúa nước, do vậy lấy đất để phát triển bất động sản rất khó khăn.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh giáp ranh Long An vẫn còn nhiều vấn đề trong quy hoạch như nằm xa các đầu mối hạ tầng cùa vùng, các trục giao thông chính, chưa có nhiều dự án hạ tầng phát triển nên việc kết nối rất khó khăn.

Tiềm năng nhiều

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển chủ yếu ở hai hướng chính là khu Đông và khu Nam. Trong khi đó, hướng phía Tây kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú cũng mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng TP Hồ Chí Minh nói chung nâng cao sức mạnh kinh tế - xã hội.

Long An với vị trí liền kề TP Hồ Chí Minh, mật độ dân cư đông và được xem là “dấu gạch nối” giữa TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định TP Hồ Chí Minh nên mở rộng không gian đô thị về phía Long An, bởi đây là khu vực liền kề thành phố, giao thông thuận tiện vì có đường cao tốc và nhiều tuyến quốc lộ, đường thủy cũng rất thuận lợi…

Mặt khác, Long An có quỹ đất còn tương đối lớn, sẽ phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của TP Hồ Chí Minh. Việc phát triển và kết nối hạ tầng TP Hồ Chí Minh với Long An sẽ giúp cho thị trường bất động sản tại đây có thêm động lực tăng trưởng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.

Cần kết nối để phát triển

Dưới góc độ quản lý ngành Giao thông Long An, ông Nguyễn Thành Ngoãn – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết: “Thời điểm này rất cần tăng cường đầu tư hạ tầng, có kết nối thích hợp giữa các tỉnh như: TP Hồ Chí Minh - Long An hay Long An - Đồng Tháp. Hiện trên địa bàn hiện đã có một số tuyến nằm trong dự án triển khai, phía tỉnh đầu tư các tuyến trục động lực TP Hồ Chí Minh - Long An. Tuy nhiên, công tác giải tỏa hành lang cũng cần được quan tâm. Hiện tỉnh đã triển khai được 1 số tuyến trọng điểm để tránh tắc nghẽn”.

Còn theo bà Đặng Thúy Hà – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An: “Thời gian này, đầu tư vào tỉnh Long An đã bắt đầu có khởi sắc, nhằm phát triển trong tương lai nên tỉnh sẵn sàn chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”.

Là người quản lý ngành Xây dựng bà Hà có nhận định về thị trường bất động sản hiện có những vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển. Do phát triển nóng nên hiện trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu dân cư nhỏ lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các dự án.

“Tỉnh Long An hiện còn thiếu các hạ tầng xã hội nên phát triển không bền vững, thu hút dân cư. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư các dự án lớn, kiểm soát các dự án nhỏ lẻ với chính sách chặt chẽ. Hiện tỉnh đang quan tâm xây dựng hạ tầng để giải quyết vấn đế này”, để phát triển bền vững bà Hà chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, ông Sử Ngọc Khương – Chuyên gia Tài chính, đầu tư lại cho rằng câu chuyện kết nối giữa Long An với TP Hồ Chí Mịn không chỉ đơn thuần là kết nối giao thông. “Nhiều dân xây dựng vẫn nói “cầu xây xong đã lâu nhưng chưa thấy người đưa dâu”. Mà để phát triển, Long An phải kết nối được với nhóm kinh tế đô thị. Các nhà quy hoạch họ hiểu rất rõ bài toán kết nối này”, ông Khương chỉ ra điểm cần mở.

Mạnh Cường

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/ket-noi-nhu-nao-de-long-an-va-tp-ho-chi-minh-phat-trien.html