Kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại
Nằm trong chuỗi hoạt động tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 3-10, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa, các chủ thể sản phẩm OCOP, doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối, siêu thị trên toàn quốc dự hội nghị.
Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, vùng đồng bằng sông Cửu Long có gần 3.000 sản phẩm của 1.521 chủ thể đã được công nhận OCOP từ sao trở lên. Nhìn tổng thể chung, sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long từng bước có sự khởi sắc, thay đổi tích cực, có mẫu mã, bao bì đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các chủ thể OCOP đã có những bước chuyển mình, tự tin, chủ động hơn trong mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối.
Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai nhiều diễn đàn, hội chợ, hoạt động kết nối, nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 3 năm tổ chức đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể OCOP tiếp cận tốt hơn, có sự trải nghiệm và kết nối để đẩy mạnh kênh phân phối, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa cho biết, toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, với 138 chủ thể tham gia là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh. Tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thủy sản, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị này, tỉnh Kiên Giang mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể OCOP cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cùng hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để kích cầu sản phẩm OCOP tại địa phương, các cấp chính quyền cần quan tâm có những chính sách đưa sản phẩm OCOP trở thành những quà tặng đặc trưng địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đầu tư gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm lưu trú, khu du lịch. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong các siêu thị, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm OCOP; doanh nghiệp sẽ cùng tham gia với địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển thành lập Hiệp hội OCOP quốc gia, đơn vị đại diện để lựa chọn những sản phẩm OCOP từ 4 sao, 5 sao để từng bước đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.