Kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản ở Đơn Dương
Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị nông sản trên thị trường cạnh tranh, huyện Đơn Dương tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã (HTX) phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Sau gần 4 năm hoạt động với phương châm “kết nối niềm tin, chia sẻ hạnh phúc”, HTX Bò sữa Đơn Dương đã xây dựng và phát triển bước đầu mô hình liên kết thành viên chăn nuôi bò sữa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Theo đó, với dịch vụ đầu vào, HTX đã kết nối với các công ty chế biến thức ăn gia súc trong nước để cung ứng hàng năm 664 tấn thức ăn chăn nuôi bò sữa đạt chất lượng, giá thành thấp cho 70 hộ thành viên và 157 hộ ngoài thành viên, tổng doanh thu hơn 4,6 tỷ đồng. Với dịch vụ đầu ra hàng năm, HTX liên kết với Dalatmilk tiêu thụ 4.110 tấn sữa tươi của hộ gia đình trong và ngoài thành viên, tương ứng với doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi thành lập (tháng 7/2017) đến nay, HTX đã kết nối đồng hành với Socodevi, một tổ chức phi lợi nhuận ở Canada để được hỗ trợ về tài chính đầu tư hạ tầng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, đào tạo cán bộ quản lý HTX, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi bò sữa trước, trong và sau khi sinh, kỹ thuật vắt sữa tươi…, từ đó góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Cụ thể, HTX Bò sữa Đơn Dương được UBND huyện Đơn Dương cho thuê tổng diện tích 1.500 m2 xây dựng văn phòng làm việc và 2 trạm thu mua sữa tại xã Tu Tra và xã Đạ Ròn, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn đầu tư 275 triệu đồng xây dựng Trạm biến thế 160KVA ở xã Đạ Ròn để phục vụ sản xuất kinh doanh bò sữa của số đông hộ thành viên HTX. Kết quả doanh thu HTX đạt hơn 6 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí còn đạt lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng/năm. “HTX Bò sữa Đơn Dương tiếp tục xây dựng, đưa vào hoạt động phân xưởng chế biến sản phẩm phô mai các loại. Mục tiêu chính nhằm giải quyết một phần lượng sữa nguyên liệu tại địa phương, khuyến khích nông hộ thành viên phát triển chăn nuôi, tăng thêm nguồn doanh thu, nâng cao giá trị thương hiệu và vị thế mới của HTX, tạo việc làm, thu nhập cho thành viên...”, ông Phạm Văn Trị, Giám đốc HTX Bò sữa Đơn Dương chia sẻ.
Tương tự với HTX Bò sữa Đơn Dương, HTX Dược liệu Như Ý ở xã Đạ Ròn của huyện này luôn “hoạt động hướng về lợi ích của hộ gia đình trong và ngoài thành viên liên kết sản xuất với HTX. Quyền lợi của hộ liên kết ở đây được HTX cung cấp giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm các cây dược liệu nói chung, cây đương quy nói riêng với mức giá ổn định, đạt lợi nhuận khá hàng năm” như lời cam kết của Giám đốc HTX này, bà Đinh Thị Thi. Thực tế HTX Dược liệu Như Ý thành lập năm 2018 đến nay đang phát triển liên kết với 35 hộ gia đình sản xuất 25 ha đương quy ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương và các địa bàn lân cận. Trong một năm vừa qua, HTX Dược liệu Như Ý đã bao tiêu hơn 40 tấn sản phẩm dược liệu VietGAP của hộ liên kết đưa về chế biến tại nhà xưởng diện tích hơn 400 m2, với hệ thống dây chuyền thiết bị máy móc tự động sấy trà, sao trà, đóng túi lọc... theo tiêu chuẩn HACCP, cung cấp các dòng sản phẩm cho đối tác theo hợp đồng như: trà đương quy túi lọc, rượu đương quy Như Ý, cao hà thủ ô mật ong..., đạt doanh thu 8 tỷ đồng. Đến nay, các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường của HTX Dược liệu Như Ý xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao...
Theo ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương, toàn huyện đã được cấp 116 giấy chứng nhận sản xuất trên gần 610 ha diện tích cây trồng VietGAP, trong đó có diện tích sản xuất liên kết theo mô hình HTX Dược liệu Như Ý nói trên. Và HTX Bò sữa Đơn Dương cũng đã góp phần cùng các tổ hợp tác, HTX khác hàng năm tiêu thụ 99% sản lượng sữa tươi nguyên liệu của nông dân chăn nuôi bò sữa liên kết trên địa bàn theo hợp đồng. Tính đến hết năm 2020, huyện Đơn Dương đã thẩm định 6 mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn các xã Đạ Ròn, Lạc Lâm, Pró, Lạc Xuân, Tu Tra, Quảng Lập.
Chiến lược phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trong thời gian tới, huyện Đơn Dương ưu tiên xây dựng mô hình HTX nông nghiệp với “nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, khép kín từ quy trình sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương...”.