Kết nối sợi dây văn hóa
Một ngày tháng tư, chúng tôi tìm về thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Giữa khung cảnh thanh bình, yên ả của vùng quê, dưới mái hiên nhà, các chị, các mẹ vui vẻ nói cười, đôi tay thoăn thoắt đưa những mũi kim trên nền vải nhiều màu sắc.
Thôn Lùng Vai là nơi sinh sống của đông đồng bào, trong đó phần đông là đồng bào Giáy. Tự thuở lập thôn tới nay, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Giáy vẫn còn vẹn nguyên, hiển hiện trong mỗi nếp nhà, trong mỗi hoạt động riêng, chung của thôn, xã. Góp phần không nhỏ vào kết quả đó không thể không kể đến vai trò của những người phụ nữ dân tộc Giáy với niềm tự hào và luôn cố gắng gìn giữ nét văn hóa về trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trong câu chuyện, chị Vương Thị Lài kể, hiện chị có hơn chục bộ trang phục truyền thống của dân tộc Giáy để dùng thường xuyên vào các dịp lễ hội và sinh hoạt, lao động. Mỗi bộ trang phục được may với những sắc màu tươi sáng như xanh cốm, xanh da trời, hồng, tím và điều đặc biệt là được chị cắt, khâu hoàn toàn thủ công. Chị Lài còn tự hào khi trang phục dân tộc Giáy của các thành viên trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều do một tay chị làm trong suốt bao năm qua. Nhìn thấy niềm vui của cả gia đình mỗi khi mặc chiếc áo mới, với chị Lài đó là hạnh phúc.
Góp vui vào câu chuyện, cô Lục Thị Liêm vừa miệt mài với những đường kim sợi chỉ, vừa kể: Phụ nữ Giáy biết may thêu từ khi còn nhỏ, nhìn các bà, các mẹ làm rồi học theo. Đời trước truyền đời sau, cứ vậy, nét văn hóa trang phục truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ mà đến nay vẫn không mai một. Cả đời mặc đồ truyền thống của dân tộc mình, đôi tay gắn liền với kim thêu, bởi vậy vài ngày không may thêu, cô Liêm luôn thấy thiếu.
Mỗi lúc nông nhàn, phụ nữ Giáy ở trong thôn lại tranh thủ may thêu trang phục truyền thống. Để hoàn thiện một bộ trang phục thủ công, nếu làm liên tục sẽ mất chừng 5 ngày. Hiện nay, không chỉ làm trang phục cho gia đình, một số chị em ở thôn còn làm thành sản phẩm để bán trong các buổi chợ phiên với giá 250.000 đồng/áo và 450.000 đồng/bộ.
Tiếp tục câu chuyện về phụ nữ tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị em ở thôn Tân Lập, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng. Hiện ở thôn có Câu lạc bộ liên thế hệ với 30 thành viên, trong đó có 25 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày ở các độ tuổi.
Lễ hội Xuống đồng xã Phú Nhuận vừa qua, các chị em tập luyện và mang đến tiết mục múa đàn tính độc đáo. Giữa thanh âm của tiếng đàn ngân vang, những đôi tay, bước chân của các chị rộn ràng, đung đưa theo điệu nhạc dập dìu. Bao đời nay, vùng đất Tân Lập luôn được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Phụ nữ nơi đây chính là những người “giữ lửa” văn hóa một cách lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ theo năm tháng. Mỗi tháng, các chị em đều đặn tham gia tập luyện 2 lần tại nhà văn hóa thôn. Khi thôn, xã có việc, số buổi tập luyện của các thành viên sẽ tăng lên, khoảng sân của nhà văn hóa luôn sáng đèn và rộn ràng những lời ca tiếng hát. Những điệu hát Then cứ vậy men theo tháng năm, vang lên trên những đồi chè ngày mùa rộn ràng thu hái, trong câu chuyện mừng nhà mới, mừng xuân mới.
Trong mỗi câu chuyện, đến mỗi vùng miền văn hóa, chúng tôi gặp biết bao hội viên, phụ nữ đã và đang miệt mài “giữ lửa” văn hóa trong mỗi cộng đồng. Họ là chủ thể trong việc gìn giữ, tiếp thu, phát huy, phổ biến các giá trị văn hóa của dân tộc.
Với tâm hồn nhạy cảm, sự cảm thụ tinh tế, đôi tay khéo léo và đặc biệt là niềm tự hào, tình yêu văn hóa dân tộc, phụ nữ Lào Cai hôm nay đang tiếp tục kết nối sợi dây văn hóa ngàn đời, viết tiếp trang mới của câu chuyện văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ket-noi-soi-day-van-hoa-post382904.html