Kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động

Hàng năm, có gần 10.000 lao động là sinh viên, học sinh ra trường, bộ đội xuất ngũ, một bộ phận lao động mất việc do sắp xếp lại doanh nghiệp... bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh. Để giải quyết việc làm cho số lao động trên cũng như lao động đang dôi dư, thất nghiệp, nhiều giải pháp về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động được đẩy mạnh thực hiện.

 Cập nhật ngành nghề mới phù hợp với xu hướng, dễ kiếm việc làm để đào tạo cho người lao động (Ảnh minh họa)

Cập nhật ngành nghề mới phù hợp với xu hướng, dễ kiếm việc làm để đào tạo cho người lao động (Ảnh minh họa)

Tạo việc làm phù hợp, bền vững

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động địa phương nhằm nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận việc làm. Trong đó, chú trọng vào các nghề phù hợp với điều kiện địa phương như chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ và du lịch, dịch vụ. Khuyến khích sản xuất nông nghiệp bền vững thông qua việc khuyến khích người dân hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. Các hợp tác xã nông nghiệp được khuyến khích để tạo liên kết và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Đình Chinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới cho biết, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trung tâm và một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp liên quan, hội đoàn thể đã tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp, dễ tìm được việc làm cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, hỗ trợ mở các lớp học ngắn hạn như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, dệt dèng, chế biến món ăn...

Ngoài đào tạo các ngành nghề truyền thống, các đơn vị còn cập nhật các khóa đào tạo kỹ năng nghề ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động đô thị, như: Xây dựng, dịch vụ, công nghệ thông tin, nghề làm đẹp, sửa chữa điện tử, điện lạnh... Nhiều lao động còn được đào tạo lại, đào tạo các kỹ năng mới để tham gia vào những ngành công nghiệp mới nổi, như: Công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics...

Để giải quyết đầu ra hiệu quả, ngành lao động đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Sau gần 4 năm triển khai chương trình việc làm của tỉnh và lồng ghép có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 67.900 lao động, vượt hơn 103% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đưa 6.097 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 78% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2024. Riêng 10 tháng đầu năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 16.170 lao động, đạt 95% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tăng 11,31% so với cùng kỳ; trong đó, đưa 2.153 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 105% so với kế hoạch năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi

Từ nhiều năm qua, nguồn vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn địa phương chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội được xem là “bà đỡ” quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, giúp người dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng. Trong 2 năm 2023 và 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay với mục đích tạo việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 60 tỷ đồng. Đồng thời, đề xuất phân bổ số tiền lãi thu được từ cho vay từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm để bổ sung nguồn vốn giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương. Tính chung 23 chương trình vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, trong đó có liên quan đến hỗ trợ giải quyết việc làm, học nghề..., hiện toàn tỉnh có khoảng 16.600 khách hàng được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ hơn 4.750 tỷ đồng.

Nhờ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh qua kênh Hội Phụ nữ phường Hương Sơ, chị Võ Thị Thanh Đào, chủ cơ sở thêu tay truyền thống ở Hương Sơ đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để duy trì hoạt động và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 chị em phụ nữ tại địa phương. Sản phẩm tranh thêu tay của cơ sở chị Đào được khách hàng là các công ty, khách lẻ trong và ngoài nước đặt mua, nên ngoài tạo việc làm, trả lương ổn định cho các lao động, chị còn trả hết khoản vay đúng hạn, giúp hội phụ nữ xoay vòng nguồn vốn cho những cơ sở, chị em khác tiếp cận vốn vay ưu đãi này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TBXH cho biết, trong các chính sách dành cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện ưu tiên, tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ việc làm thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người lao động được vay vốn để giải quyết việc làm. Nhiều cơ sở sử dụng vốn vay có hiệu quả đã giúp lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ket-noi-thong-tin-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-148433.html