Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản phía Bắc
Các mặt hàng nông sản của các tỉnh phía Bắc hết sức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, nông dân miền Bắc sang phát triển trồng quá nhiều diện tích trái cây cỏ múi (cam, bưởi), thu hoạch rộ vào thời điểm này nên tiêu thụ khó khăn…
Điểm cầu Diễn đàn tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức Diễn đàn "Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc" vào ngày 18/12/2021. Diễn đàn theo hình thức trực tuyến với 13 điểm cầu chính: Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ.
NHIỀU DOANH NGHIỆP CẦN LIÊN KẾT VỚI NÔNG DÂN
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ cao Trung Anh, cho biết Công ty có trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thái Nguyên, với sản phẩm chính là hoa lan Hồ điệp và dưa lê, dưa lưới.
Theo bà Hoa, hiện nay bà con nông dân chỉ biết trồng, đến vụ thu hoạch giá lại rất rẻ do chưa biết cách bảo quản, sơ chế, chế biến. “Ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chúng tôi cũng đang nghiên cứu khâu bảo quản và sơ chế sản phẩm để chuyển giao lại cho bà con nông dân địa phương. Chúng tôi mong muốn bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất. Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp giống, sau đó sẽ thu mua, bao tiêu 100% sản phẩm của người dân”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa bày tỏ.
Bà Trần Thị Minh Hải, Giám đốc Công ty CP sữa Hmilk cho hay, công ty đã sản xuất ra một loại sữa đặc biệt, kết hợp với các loại hạt và nông sản Việt Nam. Để sản xuất loại sữa này cần nhiều loại hạt như mắc ca, ý dĩ, óc chó, bí đỏ, gạo đen, cà phê, hạnh nhân…
“Mục tiêu là công ty, khi đưa sản phẩm sữa hạt ra thị trường, là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng giá trị tăng thêm cho các mặt hàng nông sản. Rất mong các đơn vị sản xuất và xúc tiến thương mại, các hệ thống bán lẻ giúp đỡ để sản phẩm chế biến của công ty được biết đến rộng rãi hơn”, bà Hải chia sẻ.
Đối với thạch đen, đơn vị có thể cung cấp 2.000-5.000 tấn/năm. Hiện, công ty đã đăng ký mã cơ sở đóng gói nhưng hải quan Trung Quốc chưa chấp thuận. Do đó, thông qua diễn đàn chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ công tác tiêu thụ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng cơ sở đóng gói, kho bảo quản sau thu hoạch nông sản.
Ông Vi Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VIGIA
Theo ông Vi Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp VIGIA (tỉnh Lạng Sơn), hiện công ty đang thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm khoai tây, khoai lang, thạch đen cho người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Về khoai tây, mỗi năm công ty có 700-1.200 tấn có nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay của công ty là thông qua các chợ đầu mối nông sản, nên công tác tiêu thụ bị phụ thuộc và không ổn định. Do đó, công ty rất mong muốn được liên kết với các đơn vị để công tác tiêu thụ thuận lợi, ổn định hơn.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổ trưởng Tổ hội trồng cây ăn quản và dịch vụ Nông nghiệp Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tổ còn tồn khoảng 100 tấn cam các loại, trong đó có cam Vinh, cam giấy Vân Đồn, cam V2, cam Bản Sen. Tổng diện tích trồng cam trên địa bàn huyện Vân Đồn là khoảng 200 ha. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam. Do đó, ông Nhân kiến nghị các cơ quan Ban, ngành, địa phương hỗ trợ để sản phẩm cam Vân Đồn được biết đến và tiêu thụ rộng rãi hơn nữa trên cả nước.
LÀO CAI XÁC ĐỊNH 6 NÔNG SẢN CHỦ LỰC
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) Lục Như Trung cho biết, huyện Bát Xát đang có 500ha trồng chè hữu cơ chất lượng cao như chè Bát Tiên, Hồng Đỉnh Bạch… đã được gắn sao OCOP. Huyện đang có 1.500ha trồng chuối, trong đó 1.000ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay trung bình mỗi tháng huyện có 300 - 500 tấn chủ yếu bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Trung Quốc tăng cường quản lý đường biên nên bà con nông dân đang gặp phải khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm chuối.
“Do có độ cao trung bình hơn 1.000m so với mặt nước biển nên huyện rất thuận lợi cho việc trồng cây dược liệu. Hiện có trên 100ha trồng trên 20 loại dược liệu như sâm Bố chính, đương quy, độc hoạt… Thông qua diễn đàn, tôi rất mong các đơn vị kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu của huyện Bát Xát”, ông Lục Như Trung nói.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lào Cai cho biết, những sản phẩm thế mạnh trên địa bàn tỉnh gồm chuối, chè, dứa, rau ôn đới và quế.
Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu, Lào Cai còn tiềm năng phát triển cá nước lạnh, với sản lượng khoảng 700 tấn. Tỉnh lựa chọn 6 loại nông sản chủ lực để tập trung đầu tư, sản xuất, chế biến, tạo ra các chuỗi liên kết vùng. Đây là nhóm sản phẩm sẽ áp dụng quy trình hữu cơ, lập mã số vùng trồng, và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ.
Vấn đề của Lào Cai hiện là dứa, với diện tích khoảng 1.600 ha và sản lượng khoảng 40.000 tấn. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi, các nhà máy chế biến dứa hiện mới tiêu thụ khoảng 1/3, nên tiêu thụ khối lượng dứa còn lại rất khó khăn.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lào Cai
“Rất mong được kết nối với các địa phương lân cận và Trung Quốc, đặc biệt là ở những sản phẩm đã được Lào Cai sản xuất theo quy trình tiên tiến, đảm bảo chất lượng”, ông Sỹ chia sẻ.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, các mặt hàng nông sản của các tỉnh phía Bắc hết sức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cũng theo bà Hậu, hiện nay, các tỉnh thành phía Bắc trồng rất nhiều loại trái cây ăn múi. Một thực tế đang diễn ra là giá bán trôi nổi các sản phẩm này trên thị trường và các chợ, siêu thị đang có sự chênh lệch rất lớn, nên gây khó khăn cho tiêu thụ.
Bà Hậu cũng góp ý với tỉnh Lào Cai trong việc tiêu thụ sản phẩm cá tầm, cá hồi. Theo đó, tỉnh đã có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nên có phương án đưa sản phẩm này vào tiêu thụ trong các siêu thị. Bởi lẽ hiện nay, với những sản phẩm này, các siêu thị vẫn chủ yếu phải nhập khẩu.
"Nếu Lào Cai đưa được sản phẩm siêu thị sẽ có sự cạnh tranh về giá, giúp người tiêu dùng 'bình dân' cũng có thể tiếp cận những sản phẩm giá trị cao này, khả năng tiêu thụ sẽ tăng lên", bà Hậu phân tích.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ket-noi-thuc-day-san-xuat-tieu-thu-nong-san-phia-bac.htm