Kết nối tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản

Mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Đăng ký tham gia thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Tân Hiền (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương) đã được hỗ trợ một phần con giống, thức ăn, vắc-xin. Với quy mô chăn nuôi 1,3 - 1,8 vạn con gà đẻ, HTX cung cấp ra thị trường 1 vạn trứng mỗi ngày.

Anh Trần Ngọc Tân, Giám đốc HTX cho biết: Thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết, HTX đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, tạo ra sản phẩm trứng sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, trứng gà của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, HTX còn liên kết nuôi gà thảo dược giúp giá bán cao hơn so với trứng thông thường, đem lại hiệu quả cho các thành viên.

HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) có 34 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 10 ha chuyên trồng dưa chuột. HTX có 30 hộ thành viên. Toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được HTX phân phối đến từng thành viên; đồng thời hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp giám sát chặt chẽ, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn. Năm 2020, dưa chuột An Hòa đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ liên kết sản xuất, toàn bộ sản phẩm dưa chuột của các hộ thành viên đều được HTX thu mua với giá thành bằng hoặc cao hơn thị trường. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 5 - 6 tấn dưa chuột và cung cấp cho thị trường hơn 1.000 tấn dưa chuột mỗi năm. Sản phẩm dưa chuột của HTX được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn của các khu công nghiệp, nhà hàng như hệ thống Go! Miền Bắc, thị trường các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương..., được khách hàng tin dùng.

Hiện, toàn tỉnh có gần 30 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; duy trì 14 chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Hà Nội; cấp 96 giấy xác nhận mã số vùng trồng.

Từ năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện lấy hơn 15 nghìn mẫu nông sản giám sát, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; trình UBND tỉnh phê duyệt 12 kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 124 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Tổ chức 6 quầy hàng kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng thành phố Hà Nội.

Ký kết chương trình phối hợp về an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản các tỉnh, thành phố... qua đó đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh năm 2024 đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 1,58% so với năm 2023.

Xác định phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, ngành Nông nghiệp tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi liên kết.

Phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đưa công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với các sản phẩm có lợi thế về điều kiện địa lý, thị trường tiêu thụ; ứng dụng nền tảng số, dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp. Từ đó nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122628//ket-noi-tieu-thu-nang-cao-gia-tri-nong-san