Kết nối trực tiếp ý kiến cử tri để thủ trưởng các ngành giải đáp

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, trong đó có việc tổ chức các phiên giải trình giữa 2 kỳ họp hay trong hoạt động TXCT, tiếp công dân. Theo đó, phiên giải trình được Thường trực HĐND tổ chức công khai, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, nhiều ý kiến của cử tri gọi từ đường dây 'nóng' được Chủ tọa kết nối trực tiếp trên kênh truyền hình để thủ trưởng các ngành giải đáp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, nhất là công tác TXCT tiếp công dân và xử lý đơn, thư…

“Nhân chứng” cho những vấn đề cần giải trình

Bảo đảm kịp thời, tăng thẩm quyền hợp lý cho Thường trực HĐND

Tại Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều kiến nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 về hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, đối với chức năng quyết định nên có sự phân hóa theo hướng: Nội dung ở mức độ nào thì bắt buộc phải trình ra HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định; nội dung ở mức độ nào thì chỉ cần trình Thường trực HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định (như liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh vốn đầu tư theo định mức Trung ương…) để bảo đảm tính kịp thời và tăng thẩm quyền hợp lý cho Thường trực HĐND cấp tỉnh trong giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên quy định Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là đại biểu HĐND tỉnh và là Ủy viên trong Thường trực HĐND tỉnh để tăng số lượng, sức mạnh tập thể cho Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Việc tổ chức các phiên giải trình giữa 2 kỳ họp tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh là một trong những hoạt động được Thường trực HĐND nhiều địa phương chú trọng thực hiện và đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đơn cử, theo chia sẻ của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều: Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ít nhất 2 phiên chất vấn, 2 phiên giải trình và 2 chương trình Đối thoại trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đây được xem là điểm nhấn nổi bật, làm đa dạng thêm hình thức giám sát, tương tác, lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri.

Để nâng cao chất lượng tổ chức phiên giải trình, theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở báo cáo của đơn vị giải trình, kết quả khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh bàn, chọn nhóm vấn đề cần giải trình chuyển đến các ngành để chuẩn bị, giao Văn phòng xây dựng chương trình, kịch bản cho từng nhóm vấn đề, phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình thiết lập đường dây “nóng”, tuyên truyền, tổ chức phiên giải trình. Phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức công khai, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Tại buổi giải trình, nhiều vấn đề được đại biểu HĐND đặt ra, nhất là các vị đại biểu kiêm nhiệm là thành viên các Ban HĐND, Tổ trưởng Tổ đại biểu. Đặc biệt, nhiều ý kiến của cử tri gọi từ đường dây “nóng” được Chủ tọa phiên giải trình cho kết nối trực tiếp trên kênh truyền hình để thủ trưởng các ngành giải đáp.

“Phiên giải trình không những góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao trong chỉ đạo điều hành của UBND, các ngành chức năng trong tổ chức thực hiện mà còn là kênh thông tin, tuyên truyền rộng tạo sự lan tỏa trực tiếp đến người dân, góp phần rất thiết thực tạo sự đồng tình ủng hộ, tham gia thực hiện các chính sách của Đề án và nghị quyết HĐND” - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang Mã Thị Tươi nhấn mạnh.

Còn theo chia sẻ của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Tuyến, chủ đề cần xây dựng video clip trong Hội nghị giải trình (nội dung và hình ảnh thực trạng, hạn chế của chủ đề phiên giải trình) và nhóm vấn đề giải trình phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thu thập đầy đủ thông tin, tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp từ cơ sở hoặc nội dung cụ thể, điển hình. Có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh với các cơ quan, đơn vị khác liên quan. Cần thiết phải bố trí những đại biểu chuyên trách có hiểu biết sâu về nội dung đưa ra, chuẩn bị kỹ, đầy đủ các tài liệu để có thể tranh luận, làm rõ vấn đề.

Ngoài những thành phần tham dự theo quy định thì tùy vào tính chất của nội dung giải trình, Thường trực HĐND tỉnh có thể mời một số đại diện cử tri tham dự phiên họp khi cần thiết. Cử tri tham gia phiên giải trình không chỉ được chứng kiến hoạt động của đại biểu dân cử mà còn là “nhân chứng” cho những vấn đề cần phải giải trình, đồng thời cũng là tuyên truyền viên khi những vấn đề yêu cầu giải trình được làm sáng tỏ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Đây là một trong những giải pháp quan trọng Thường trực HĐND nhiều địa phương đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả các hoạt động. Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Hữu Thiết chia sẻ: Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, trong đó có công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư: Các văn bản chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đều được gửi qua hệ thống thông tin điện tử, giúp tiết kiệm, thời gian nhận văn bản nhanh và công tác lưu trữ, tìm kiếm thuận tiện; các văn bản trả lời đơn đều được Thường trực HĐND tỉnh đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của HĐND tỉnh để các cơ quan có liên quan và công dân tra cứu, theo dõi; Thường trực HĐND tỉnh quán triệt sử dụng hộp thư điện tử công vụ tỉnh Bình Phước, phần mềm Zalo để trao đổi công việc, đồng thời ứng dụng chữ ký số vào việc ký phát hành văn bản, giúp việc trao đổi công việc, trình ký, xin ý kiến lãnh đạo về việc xử lý đơn, thư được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn, thư của Thường trực HĐND tỉnh giúp các thông tin được trao đổi, xử lý nhanh chóng, kịp thời; tăng hiệu suất xử lý công việc; thông tin về việc tiếp công dân và xử lý đơn, thư được tuyên truyền rộng rãi, đáp ứng tính công khai, minh bạch trong hoạt động”- đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong TXCT, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết: Thường trực HĐND tỉnh thực hiện các hình thức TXCT phù hợp trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 như: Đăng tải nội dung TXCT trên Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh; chuyên trang “Đồng hành cùng cử tri”; thông qua thực hiện chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”. Cùng với đó là 5 kênh ghi nhận ý kiến của cử tri: Cử tri gửi ý kiến trực tiếp lên Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh; gửi ý kiến trực tiếp thông qua địa chỉ email của HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; gửi thư phản ánh, ý kiến, kiến nghị qua địa chỉ: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hậu Giang và UBMTTQVN tỉnh Hậu Giang; chuyển ý kiến đến: Chuyên trang “Đồng hành cùng cử tri”; chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”; phát phiếu ghi nhận ý kiến cử tri.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ket-noi-truc-tiep-y-kien-cu-tri-de-thu-truong-cac-nganh-giai-dap-eobnhl7ire-81937