Kết nối tương lai từ áo dài truyền thống
'Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam' và vòng chung kết cuộc thi 'Đại sứ Áo dài trẻ em Việt Nam 2022' vừa diễn ra vào dịp Quốc khánh 2/9 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cùng với nhiều hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra trước đó, ở nhiều địa phương trên toàn quốc đã góp phần lưu giữ, quảng bá hình ảnh của tà áo dài nói riêng, tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung tới thế hệ trẻ, đưa chiếc áo dài Việt thành biểu tượng kết nối thế hệ.
Một sự kiện thu hút được nhiều sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như những người yêu áo dài Việt Nam đó là chương trình khai mạc "Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam" và Vòng chung kết cuộc thi "Đại sứ Áo dài trẻ em Việt Nam 2022" (diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/9) tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Tham gia chương trình có 70 gương mặt xuất sắc từ 5 đến 15 tuổi trình diễn 6 bộ sưu tập (BST) áo dài với chủ đề "Hướng về nguồn cội" của các Nhà thiết kế (NTK) David Minh Đức, Sĩ Hoàng, Tạ Linh Nhân, Phương Hồ… Đây là những gương mặt được lựa chọn từ cuộc thi "Đại sứ Áo dài Việt Nam" bắt đầu tổ chức vào tháng 6/ 2022 tại TP Việt Trì.
Là chương trình khởi động Dự án "Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam", chương trình được đầu tư dàn dựng chuyên nghiệp tại 1 sân khấu hoành tráng có chiều dài kỳ lục hơn 100m. Cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đất Tổ, Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam mang chủ đề "Hướng về nguồn cội" nhằm góp phần lưu giữ, quảng bá hình ảnh của tà áo dài nói riêng và tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung cho thế hệ trẻ, đưa áo dài Việt trở thành biểu tượng kết nói thế hệ, giữ hồn dân tộc Việt. Chương trình cũng mong muốn sẽ trở thành một lễ hội thường niên tại Đất Tổ nhằm đóng góp vào mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam".
Ngoài các ngôi vị như "Quán quân Đại sứ Áo dài Trẻ em 2022" và Giải thưởng Đại sứ Áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam còn có các giải phụ như "Gương mặt đẹp nhất", "Trình diễn ấn tượng nhất", "Thí sinh được khán giả yêu thích nhất" và giải "Tự tin vào chính mình". Cuộc thi nhằm tìm ra những gương mặt trẻ em xuất sắc để tham gia các hoạt động, quảng bá tà áo dài đến bạn bè quốc tế, cũng như quảng bá hình ảnh của "Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam" và hình ảnh của TP Việt Trì - Thành phố Lễ hội Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong cả nước.
Đây cũng là lần đầu tiên Lễ hội áo dài dành cho trẻ em với quy mô toàn quốc được tổ chức. Lễ hội thực sự là một sự kiện ý nghĩa, thú vị cho thấy sự quan tâm, trân trọng của những người làm văn hóa dành cho trang phục áo dài. Lâu nay, nghĩ tới áo dài, mọi người thường chỉ nghĩ đây là trang phục của những nữ sinh trung học hay những người phụ nữ trưởng thành… Nhưng thực tế, trẻ em cũng là một đối tượng mặc áo dài rất đẹp. Thời gian gần đây, trẻ em mặc áo dài khá nhiều nhất là trong những dịp Lễ tết, hội hè… Áo dài với trẻ em mang đến một vẻ đẹp độc đáo, vừa truyền thống, vừa đáng yêu.
Việc tổ chức "Lễ hội Áo dài trẻ em" với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn sẽ là động lực để áo dài tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Đặc biệt là từ niềm yêu thích mặc áo dài sẽ nuôi dưỡng, vun trồng tình yêu với trang phục truyền thống cho thế hệ sau. Đạo diễn chương trình Huy Lio cho biết, chương trình mong muốn tạo một sân chơi nghệ thuật dành cho những người yêu áo dài và truyền lửa tình yêu ấy đến trẻ em - thế hệ sẽ giữ gìn hồn Việt, tiếp nối và phổ biến bản sắc dân tộc ra thế giới.
Cuối tháng 8 vừa qua, hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2022) và tôn vinh áo dài truyền thống trong dòng chảy đương đại, Triển lãm "Áo dài trên con đường di sản" đã được khai mạc tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Triển lãm trưng bày 200 mẫu áo dài của nhiều NTK trong và ngoài nước.
Sau này, những bộ áo dài này sẽ được bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng. 200 mẫu áo dài này đã đưa người xem đến với nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa của đất nước Việt Nam thông qua các bộ sưu tập tiêu biểu như "Cánh buồm Quảng Ninh", "Vịnh Hạ Long", "Thổ cẩm dân tộc Tày, Dao", "Nụ cười biển", "Rừng trúc Yên Tử", "Hải quân", "Ngọn đèn trong đêm", "Kim cương đen", "Phong Nha - Kẻ Bàng", "Nét đẹp kiến trúc Hạ Long"…
Các BST này cũng được các NTK làm từ nhiều chất liệu khác nhau, màu sắc đa dạng. Điều này cho thấy sự sáng tạo không ngừng của các NTK ở trang phục truyền thống này. Từ tà áo dài, các NTK phản ánh nhiều khía cạnh về đời sống, di sản văn hóa, tín ngưỡng… Không chỉ đưa di sản, cảnh sắc thiên nhiên lên các mẫu áo, các NTK còn góp phần đưa áo dài mang hơi thở cuộc sống, thời đại.
Những sự kiện, vấn đề xã hội được các NTK khéo léo, táo bạo đưa lên tà áo. Tiêu biểu như BST "Hy vọng" của NTK Cao Minh Tiến lấy cảm hứng từ hình ảnh người chiến sĩ tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19. Thông qua đó, NTK muốn gửi gắm tình cảm trân trọng, sự cảm ơn với đội ngũ y, bác sĩ đã vất vả trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Nhiều NTK cho rằng, thời trang là nghệ thuật nhưng cũng chính là cuộc sống. Chính vì thế, áo dài không chỉ là trang phục mà còn mang những thông điệp mà các NTK gửi gắm tinh tế, khéo léo trong đó.
Có thể nói, Triển lãm lần này chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua về trang phục áo dài. Nhiều năm trở lại đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tin cậy để những người yêu áo dài tới chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của những tà áo dài thông qua các hoạt động được tổ chức thường xuyên, ý nghĩa. Không chỉ có trưng bày, trình diễn, giới thiệu về áo dài, Bảo tàng còn tổ chức những buổi hội thảo, gặp mặt các nghệ nhân để công chúng có thể tìm hiểu sâu kỹ hơn về các chất liệu, công đoạn để tạo ra một chiếc áo dài truyền thống. Những hoạt động này thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, từ đó thêm hiểu, thêm yêu những nét tinh hoa văn hóa ẩn chứa trong trang phục truyền thống này.
Trái ngược với lo ngại của nhiều người rằng áo dài không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thực tế chứng minh, áo dài đang xuất hiện thường xuyên không chỉ trên sàn diễn, ở các "Tuẫn lễ áo dài" được phát động mà cả trong đời sống. Không khó để thấy những dịp như Tết, lễ hội hay những sự kiện trọng đại như đám cưới, ăn hỏi… áo dài được nhiều người sử dụng hơn. Tà áo dài cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người mặc áo dài cũng đa dạng lứa tuổi, giới tính…
Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, trang phục áo dài cũng đã được các NTK cách tân để vừa giữ được nét đẹp truyền thống mà vẫn thuận tiện. Có được kết quả đáng mừng này là bởi thời gian vừa qua, trang phục áo dài nhận được sự quan tâm, trân trọng từ những người làm công tác văn hóa cũng như sự tâm huyết giữ gìn vốn quý của các NTK. Lễ hội áo dài đã được tổ chức thường niên tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…
"Tuần lễ áo dài" được phát động thực hiện ở nhiều cơ quan, địa phương cả nước. Chương trình giới thiệu, tôn vinh áo dài được nhiều địa phương như Quảng Ninh, Huế, Hội An, Phú Yên… chú trọng cùng với chiến lược quảng bá du lịch của địa phương mình. Nhiều cuộc vận động thiết kế áo dài với các chủ đề dành cho cả NTK chuyên nghiệp và không chuyên đã thu hút sự tham gia của nhiều NTK, sinh viên khoa thiết kế tại các trường đại học, cao đẳng…
Gần đây nhất, tình yêu áo dài được lan tỏa tới các em nhỏ với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn như một cách vun trồng niềm tự hào trang phục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Vượt lên trên một sản phẩm thời trang, áo dài còn là một biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy.