Kết nối với các trục phát triển kinh tế để tăng tính khả thi dự án sân bay Quảng Trị

Ngày 26/8, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn T&T Group - nhà đầu tư đề xuất dự án, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về tầm nhìn chiến lược, hiệu quả đầu tư, quản lý vận hành Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư trước khi trình Hội đồng thẩm định liên ngành...

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không - vận tải.

TẠO ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ THÚC ĐẨY KINH TẾ VÙNG

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, Cảng hàng không Quảng Trị là dự án động lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng nguyện vọng của người dân Quảng Trị cũng như du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, đây là cơ hội để Quảng Trị phát triển ngang tầm với các tỉnh bạn.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương đối tác công tư tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất 1 triệu khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; khai thác tàu bay code C hoặc tương đương. UBND tỉnh Quảng Trị giao nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn T&T Group lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến khởi công vào quý 1/2023, đưa vào vận hành khai thác năm 2025.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư xây dựng tại xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dự án được xác định là một trong 28 Cảng hàng không nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT.

Mục tiêu xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh Quảng Trị; đồng thời đảm bảo tính sẵn sàng, cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực và địa phương.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.898,861 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 2.947,968 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.950,893 tỷ đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao về tính khả thi trong việc xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng đối với an ninh quốc phòng, cứu hộ cứu nạn và logistics của dự án sau khi hoàn thành.

Đơn vị tư vấn thuyết minh nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Đơn vị tư vấn thuyết minh nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Đánh giá về vai trò của Cảng hàng không Quảng Trị trong việc khai thác vận chuyển và dịch vụ logistics trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây, ông Lê Đức Cảnh, Phó Tổng giám đốc TCT Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines khẳng định, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó thúc đẩy giao lưu của người và hàng hóa qua lại giữa các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.

PHÁT HUY LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA QUẢNG TRỊ QUA VIỆC GẮN KẾT SÂN BAY VỚI CÁC TRỤC KINH TẾ

Theo bà Chan Yoke Ping, Tổng giám đốc Công ty T&Y Superport Vĩnh Phúc, Cảng hàng không Quảng Trị không thuần túy là dự án về cơ sở hạ tầng mà là dự án kết nối: kết nối hành khách và hàng hóa; kết nối đường hàng không, đường bộ, đường sắt với Trung Quốc và các khu vực lân cận; mang đến cơ hội vận chuyển hàng hóa từ các quốc gia không có biển như Lào qua Việt Nam sang các quốc gia khác như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), góp phần tăng cường khối lượng giao dịch thương mại khu vực.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, cơ hội để xây dựng sân bay Quảng Trị là rất lớn. Quảng Trị nằm trên trục kết nối giao thông trên Hành lang Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam, khi xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị sẽ đồng bộ hóa và tạo ra hệ thống logistics với đầy đủ các thành phần: hàng không, cảng biển, cửa khẩu.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, giao thông kết nối của Cảng hàng không Quảng Trị rất thuận lợi. Thứ nhất là QL1, thứ 2 là lân cận QL9. Tỉnh đã quy hoạch tuyến đường song song QL9 nối từ QL1 đi qua cửa Cảng hàng không đến biển. Đường sắt cũng rất gần. Ngoài ra, cao tốc Bắc Nam đi về phía tây thông qua QL9 thì dự án hoàn toàn có thể tiếp cận được cao tốc Bắc Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra đánh giá, phân tích về các vấn đề như lợi thế cạnh tranh, khả năng kết nối các trục kinh tế, tiềm năng thiết lập đường bay quốc tế, tác động của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đến Cảng hàng không Quảng Trị, công tác đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, mặt bằng, quỹ đất dự trữ để mở rộng xây dựng sân bay, công năng vận tải...

Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu kết luận hội thảo.

Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, ông Lê Quang Tùng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn trăn trở làm thế nào để sớm xây dựng Cảng hàng không với tính khả thi cao. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia, đơn vị tư vấn nổi tiếng về sân bay trong nước và quốc tế để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm làm rõ tính khả thi của dự án, để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội và tham gia đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị đã có những quy hoạch để gắn kết dự án như hình thành đô thị sân bay, thành phố vệ tinh cho sân bay; điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam để phát huy hết năng lực kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu vực và các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây.

Thời gian tới, Quảng Trị sẽ cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hướng làm rõ lợi thế cạnh tranh của Quảng Trị trong việc gắn kết với Hành lang kinh tế Đông Tây, với trục Bắc Nam; đồng thời làm việc chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo và trình Hội đồng thẩm định liên ngành.

Lan Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ket-noi-voi-cac-truc-phat-trien-kinh-te-de-tang-tinh-kha-thi-du-an-san-bay-quang-tri.htm