Kẹt ở Bắc Cực do COVID-19, phượt thủ Việt hằng ngày chăn tuần lộc
Đập băng lấy nước, chăn tuần lộc, ngắm cực quang… là cuộc sống của Hoàng Lê Giang gần 2 tháng qua, từ khi anh mắc kẹt ở vùng cực bắc Trái đất do dịch COVID-19.
Dăm ngày trước, Hoàng Lê Giang cùng những người dân tộc Sami ở bắc Na Uy, nơi gần biên giới với Phần Lan, đưa đàn tuần lộc rời núi Arctic Šuorbmu, di cư đến nơi chăn thả mùa xuân để chuẩn bị đón những chú tuần lộc con ra đời. Người đàn ông Việt 32 tuổi đã sống cùng họ ở thiên đường băng tuyết này từ tháng 3 và vẫn chưa biết ngày trở về nhà mình tại TP.HCM.
Mắc kẹt ở thiên đường
Khi rời Việt Nam ngày 22/2 với kế hoạch du lịch Mông Cổ rồi đến Na Uy, Hoàng Lê Giang không ngờ mình sẽ liên tục trải qua các đợt cách ly ở xứ lạ.
Đặt chân đến Mông Cổ, anh phải cách ly 14 ngày do trên chuyến bay có người mới tới từ Hàn Quốc. Sau 3 ngày ở bệnh viện, anh được tự cách ly tại nhà cùng 3 người khác. Họ chỉ ra đường vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn, khi rất ít người lai vãng.
Bù lại cho sự “cuồng chân”, chàng phượt thủ người Việt có thể chụp ảnh, trải nghiệm món ăn truyền thống và học cách dựng lều của người Mông Cổ. Những khám phá mới khiến anh cảm thấy những ngày ở đây không quá tệ.
Rời xứ sở du mục, Giang bay sang Pháp để tới Na Uy thăm Nils, anh bạn cũ người Sami. Đến nhà Nils ở vùng núi Arctic Šuorbmu đúng lúc Chính phủ Na Uy quy định cách ly tất cả khách nước ngoài, Giang đề nghị được cách ly trong căn nhà gỗ của bạn trên núi. Đây là nơi chăn thả tuần lộc, bốn bề xung quanh là cây và tuyết trắng.
Hết hạn cách ly vẫn không thể về nước vì Na Uy đóng cửa các sân bay, chàng phượt thủ tiếp tục chuỗi ngày sống tại vùng băng tuyết mà anh gọi là “những ngày mắc kẹt ở thiên đường”.
Hồi đầu, phần lớn thời gian trong ngày, Giang ngồi nhìn ra ngoài qua ô cửa, hoặc đi dạo lòng vòng. Những hôm không có tuyết rơi, bầu trời trong xanh cao vời vợi, đẹp nhất là lúc 18h khi ánh hoàng hôn kỳ diệu phát ra từ cực bắc.
“Giường tôi nằm cạnh cửa sổ, có thể nhìn ra bầu trời sao ngoài kia, đôi khi có bắc cực quang. Cảnh vật rất đẹp, ngay cả bão tuyết xuất hiện mỗi 4 - 5 ngày cũng mang trong mình nét đẹp dữ dội không khoan nhượng” – anh chia sẻ.
Hoàng Lê Giang kể, một trong những bức ảnh ưng ý nhất về băng tuyết được anh chụp trong đêm ôm máy ảnh lang thang tìm chụp bắc cực quang. Anh nhớ rõ mình đã lặng người trước vẻ đẹp của nhánh cây khô gầy guộc cắm trên nền trắng vô tận của tuyết.
Giang miêu tả cảm nhận của mình trong khoảnh khắc đó: “Một giây phút ngắn ngủi thấy mình bớt u mê, cái đẹp đôi khi không quá xa xôi phải tìm kiếm mà ngay trước mắt. Ánh trăng đổ bóng lên nhành cây bé nhỏ, chỉ có ánh trăng dịu dàng, chứ không phải mạnh mẽ như mặt trời, mới có hình bóng đủ nhẹ, và thấy được nét lấp lánh của những bông tuyết. Ngay lúc ấy, tôi cảm nhận được cái lạnh bên ngoài, hơi ấm bên trong cơ thể mình, mùi hương trong lành của rừng”.
Tuyệt vời nhất là một đêm tháng ba khi chàng du khách Việt nhìn thấy cực quang tràn ngập bầu trời, sáng lộng lẫy suốt hơn 3 tiếng đồng hồ. “Những dải lụa màu xanh bay qua trên đầu, uốn lượn nhảy múa giữa bầu trời đêm đầy sao và thăm thẳm… Đứng giữa núi mênh mông, chỉ có tiếng gió, thấy mình thật nhỏ bé trước vũ trụ” – Giang miêu tả.
Người chăn tuần lộc
Phần lớn những ngày Hoàng Lê Giang ở Na Uy, mặt trời xuất hiện lúc 4h và chưa chịu rời đi trước 19h, nhiệt độ dao động từ -5 đến -20 độ C. Vùng núi nơi anh cách ly không có đường dây điện. Muốn dùng máy phát điện, phải sưởi ấm nó, đổ xăng rồi đem ra ngoài cắm.
Về thức ăn, Giang chia sẻ: “Tôi ăn bánh mì nhà làm, khoai tây luộc, thịt xông khói hay phơi khô, thời gian rảnh tôi thường nghe nhạc và ngắm nhìn bầu trời bên ngoài. Tôi thường ra sông, đập lớp băng mỏng và lấy nước về uống hay để nấu ăn. Nước rất sạch, có thể uống trực tiếp”.
Để khỏi nghĩ ngợi, chân tay thừa thãi do ngồi không, Giang phụ Nils làm các việc lặt vặt như lấy nước, sửa hàng rào… Anh vào rừng chặt củi, đem về đốt sưởi ấm và phơi khô dự trữ cho mùa đông năm sau.
Giang cũng học lái xe trượt tuyết để chở đồ từ cabin trên núi ra đường lớn, có khi về làng mua thêm thực phẩm. Đặc biệt, anh giúp bạn chăn đàn tuần lộc. Công việc không quá bận bịu nhưng người chăn phải luôn túc trực gần đàn dù thời tiết gió bão hay lạnh -40 độ C. Mỗi ngày, họ đi thăm đàn 2 lần để đảm bảo không có chú tuần lộc nào còn lang thang bên ngoài.
Tuần lộc thường ăn rêu và địa y tự nhiên, nhưng năm nay tuyết quá dày (hơn 8 tấc) nên họ cho ăn thêm cỏ khô, lúa mì. Công việc này được Giang mô tả: “Nils lái xe, tôi ngồi sau, trong cái bồn tắm chứa đầy thức ăn mà tôi sẽ xúc rải đều cho đàn. Ngoài ra có những chú tuần lộc non yếu sức được nhốt riêng cũng cần cho ăn”.
Việc chăn tuần lộc giúp Hoàng Lê Giang hiểu thêm rất nhiều về văn hóa của dân tộc Sami. Tuy có nhiều lựa chọn công việc, hầu hết người Sami đều chọn nghề chăn tuần lộc theo truyền thống nhiều đời. Đàn tuần lộc của họ ít thì vài mươi con, nhiều có thể đến 2.000 con, cứ mùa thu được lùa xuống phương Nam, mùa xuân quay lại phương Bắc sinh đẻ.
“Tuần lộc không hẳn là gia súc do chúng sống xa con người, khó tiếp xúc gần nếu không thuần và cũng ăn thức ăn trong tự nhiên. Người Sami chọn chăn tuần lộc như một phong cách sống: Yêu thiên nhiên, sống giữa núi rừng. Họ ít dành thời gian ở thành phố mà hay ở cạnh đàn tuần lộc của mình, bảo vệ và lùa chúng đi từ bãi cỏ này sang bãi cỏ khác”, Giang giải thích.
Vào những lúc cao điểm bận rộn như cần xây hàng rào, phân loại, đánh dấu con non…, anh em, họ hàng ai nấy đều xúm vào giúp một tay. Họ giữ sự gắn bó gia đình thông qua việc chăn tuần lộc.
“Chiều lặng gió, tôi chạy xe lên đồi một mình, ngồi gần đàn tuần lộc, nghe tiếng tuần lộc gặm rêu, tiếng lạo xạo đi trên tuyết, tiếng chuông cổ leng keng thánh thót, thi thoảng lại húc nhau tí giành ăn”, Giang kể về những ngày còn trên núi. Hiện anh cùng đàn tuần lộc đã di cư xuống chỗ chăn thả mùa xuân ở làng Kautokeino, hạt Finnmark.
Canh cánh chuyện hồi hương
Visa của Giang đã hết hạn, nhưng chính phủ Na Uy cho phép anh tiếp tục ở lại thêm mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Anh cho biết: “Vẫn chưa tìm được đường về. Những cuộc điện thoại gọi đi, những email gửi ra đều không có trả lời hoặc ‘chưa có thông tin’. Pháp chỉ cho người Pháp vào biên giới. Mỹ, Nhật, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng vậy. Bạn bè, người quen vẫn theo dõi giúp nhưng bản thân tôi cũng phải tiếp tục hít một hơi thật sâu và giữ lòng không dao động”.
Điều này không dễ, bởi dù biết mình đang có nhiều thời gian trầm lắng quan sát cuộc sống, không cần vội vã, gấp gáp như mong ước lâu nay, cảm xúc hỗn độn của người đang mắc kẹt nơi cùng trời cuối đất vẫn dấy lên. Anh vừa thấy mình may mắn, vừa ức chế vì có nhà mà không về được, không biết phải trách ai, bực với ai…
Hoàng Lê Giang tâm sự: “Có vài ngày xăng hết, Nils có việc về làng, tôi ở lại trên núi, trong bán kính 40-50km dường như không có ai. Nếu trời đẹp thì còn có thể đi bộ loanh quanh, hoặc ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh, bật nhạc để có âm thanh, xem các chú chim bay gần cabin tìm vụn bánh mì. Những ngày trời xấu, gió tuyết trắng xóa khiến tầm nhìn còn không quá 3m. Tôi thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên, tiếng gió gào thét như thể bên ngoài là con thú dữ đang tìm cách xé toạc cánh cửa”.
Chàng du khách Việt chia sẻ, ngay cả cảnh cực quang mỹ lệ, kỳ ảo cũng không làm anh hoàn toàn bình tâm, dù biết rằng lo lắng, nôn nóng là không lý trí: “Tôi từng nghĩ mình cần một khung cảnh thanh tịnh, yên tĩnh là đủ, nhưng có nó ở đây rồi thì thử thách cho bản thân là tìm sự thanh thản ngay chính bên trong”.
Trời bắt đầu sang xuân, vùng Bắc Cực hầu như không còn ban đêm nữa, ngày trở nên dài dằng dặc. Trong tình thế bị ép ở lại, Giang nhận ra, là con người thế tục, khi không có bạn hữu và người yêu thương ở bên cạnh thì chưa chắc người ta đã muốn ở thiên đường, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.
Video: Phượt thủ Việt mắc kẹt ở thiên đường Bắc Cực do COVID-19