Kết quả áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ khai thác vỉa dốc thoải đến nghiêng tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh
Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm mô hình CGH phù hợp để tiếp tục đổi mới công nghệ cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.
Lò chợ CGH hạng nhẹ tại Mông Dương
Lò chợ CGH hạng nhẹ tại Hạ Long
Previous Next
Thông tin chung đề tài:
Tác giả: TS. Lê Đức Nguyên, TS. Phan Văn Việt, TS. Trần Minh Tiến
Đơn vị: Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu
Áp dụng dây chuyền công nghệ CGH khấu than cho vỉa thoải và nghiêng nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác, tăng sản lượng, năng suất lao động từ 1,5 ÷ 2,0 lần so với lò chợ khoan nổ mìn thủ công tại các mỏ than hầm lò, đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu: Tổng quan tình hình và kinh nghiệm áp dụng công nghệ CGH khấu than lò chợ vỉa thoải đến nghiêng các mỏ hầm lò trên thế giới; Đánh giá hiện trạng và kết quả áp dụng công nghệ khai thác các vỉa than thoải đến nghiêng tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh; Xây dựng tiêu chí đánh giá điều kiện địa chất mỏ và lựa chọn đồng bộ thiết bị CGH, đề xuất sơ đồ công nghệ CGH khấu than phù hợp điều kiện địa chất - kỹ thuật mỏ; Thiết kế sơ đồ công nghệ CGH khấu than lò chợ cho một điều kiện cụ thể và Đánh giá kết quả áp dụng và hoàn thiện bổ sung một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình áp dụng thử nghiệm.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Trong bối cảnh các mỏ than hầm lò ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa, việc duy trì sản xuất với công nghệ chủ đạo là khoan nổ mìn thủ công kéo theo nhu cầu nhân lực sản xuất trực tiếp rất lớn, trong khi mức độ an toàn và điều kiện lao động hạn chế, cùng với đó giá thành sản xuất ngày một tăng cao, sẽ ảnh hưởng bất lợi cho phát triển bền vững ngành than. Từ đó đặt ra nhu cầu tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm mô hình CGH phù hợp để tiếp tục đổi mới công nghệ cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Trên cơ sở mô hình công nghệ CGH hạng nhẹ đề tài đã nghiên cứu và đề xuất áp dụng, năm 2020 hai dây chuyền lò chợ CGH hạng nhẹ đầu tiên đã được TKV áp dụng thí điểm thành công. Đến nay các dây chuyền công nghệ mới này đã vận hành ổn định, chứng minh tính thích ứng và hiệu quả cao đối với điều kiện vỉa than thoải đến nghiêng. Các chỉ tiêu công nghệ đều đạt hoặc vượt yêu cầu đặt ra, góp phần tăng quy mô phát triển công nghệ CGH của TKV từ sản lượng 1,38 triệu tấn/năm (chiếm 6,5% tổng sản lượng than hầm lò năm 2016) lên sản lượng 2,97 triệu tấn (chiếm 12,3% năm 2020). Trong năm 2021, sản lượng than từ 02 dây chuyền CGH hạng nhẹ này tiếp tục tăng cao, đóng góp tỉ trọng đáng kể trong tổng sản lượng toàn TKV.
Việc triển khai áp dụng thành công kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài, đóng góp cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai thác của ngành than.
Tính mới, tính ứng dụng và khả năng ứng dụng kết quả vào thực tế
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu áp dụng công nghệ CGH đồng bộ hạng nhẹ cho vỉa than dốc thoải đến nghiêng. Kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thử nghiệm thành công trong thực tế mang lại hiệu quả tốt, có triển vọng lớn nhân rộng áp dụng trong toàn TKV.