Kết quả bầu cử Mỹ 2020: 'Đặt cược' vào ông Joe Biden, người dân Mỹ đang mong đợi gì?
Mỗi lá phiếu ủng hộ ông Joe Biden chắc chắn đều gửi gắm những kỳ vọng riêng, phù hợp với quan điểm, chính sách trong cương lĩnh tranh cử mà cựu Phó Tổng thống đã hứa hẹn. Kết quả bầu cử mỹ 2020 vẫn đang cho thấy nhiều bất ngờ, hãy xem cử tri Mỹ họ đang chờ đợi gì?
Ông Joe Biden chủ trương thúc đẩy tầng lớp trung lưu trở thành phần trụ cột trong nền kinh tế Mỹ; bãi bỏ các biện pháp cắt giảm thuế của Chính quyền Trump; tăng mức lương làm việc theo giờ (15 USD/giờ); loại bỏ các thỏa thuận không cạnh tranh cho người lao động và mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục chi phí phù hợp; xem xét việc nâng mức thuế thu nhập cá nhân lên khoảng 39,5% và tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%...
Với những mục tiêu đó, ông Joe Biden đã được phần lớn cử tri ủng hộ, trở thành người nhận được nhiều phiếu bầu phổ thông nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ, phá vỡ cả kỷ lục gần 69,5 triệu phiếu của cựu tổng thống Barack Obama năm 2008.
Tăng thuế người giàu
Người từng là cánh tay đắc lực của cựu Tổng thống Obama đã đề xuất tăng thuế đối với những người Mỹ giàu có và tìm cách giảm thuế cho những người có thu nhập thấp, thông qua các cơ chế như mở rộng tạm thời tín dụng thuế.
Mức thuế thu nhập cao nhất được đưa ra là 39,6%, đã tăng từ 37% đối với những người kiếm được hơn 400.000 USD. Trong đó, kế hoạch của ông Biden sẽ giới hạn giá trị của các khoản khấu trừ, như khấu trừ cho các khoản đóng góp từ thiện và chi phí y tế.
Rất nhiều người Mỹ giàu có có được một phần lớn thu nhập từ các hoạt động đầu tư. Do vậy, ông Biden dự định sẽ tăng thuế với các khoản thu nhập từ tiền lãi lên 39,6%, đối với những người kiếm được hơn 1 triệu USD/năm – gần gấp đôi mức hiện tại.
20% người giàu trong số những người kiếm được từ 160.000 USD sẽ là nhóm duy nhất bị tăng thuế vào năm 2022, theo Trung tâm Chính sách Thuế. Nghĩa vụ thuế của họ sẽ tăng 5%, tương đương 14.700 USD, vào năm này.
Trong khi đó, 20% người có thu nhập thấp nhất sẽ có thu nhập sau thuế tăng hơn 5%, tương đương khoảng 750 USD, vào năm 2022.
Khá ngược chiều với ông Biden, Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đưa ra thông điệp sẽ “cắt giảm thuế để tăng lương và giữ việc làm ở Mỹ”.
Tổng thống Trump sẽ cố gắng xây dựng Đạo luật Cắt giảm thuế và tạo Việc làm, được coi là thành tựu lập pháp đặc trưng của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Luật này cắt giảm thuế cho người Mỹ ở tất cả các nhóm thu nhập, nhưng theo Báo cáo do Ủy ban Hỗn hợp về Thuế công bố vào năm ngoái, những người Mỹ giàu nhất bỏ túi phần lớn lợi ích, khoảng 76% trong tổng số 259 tỷ USD số tiền được miễn giảm của người nộp thuế trong năm 2019 thuộc về những người kiếm được hơn 100.000 USD/năm. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump như cố vấn kinh tế Larry Kudlow cũng đã từng đưa ra ý tưởng cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu.
Củng cố hàng rào an ninh xã hội
Ứng viên đảng Dân chủ kêu gọi củng cố hệ thống an sinh xã hội cho các cá nhân. Ví dụ, sẽ tăng các khoản thanh toán hàng tháng cho người cao tuổi đã nhận trợ cấp trong ít nhất 20 năm, để bảo vệ các khoản tiết kiệm hưu trí. Trợ cấp hàng tháng cho người góa vợ/góa chồng sẽ tăng 20%.
Tuy nhiên, chính sách của ông Biden sẽ áp thuế lương an sinh xã hội đối với những người có thu nhập cao để cải thiện khả năng thanh toán của chương trình. Hiện tại, người lao động phải trả 6,2% từ tiền lương, giới hạn ở mức lương lên tới 137.700 USD (được tính theo chỉ số lạm phát). Ông Biden cũng sẽ áp dụng thuế đối với các khoản thu nhập trên 400.000 USD.
Trong Chương trình tranh cử, Tổng thống Trump cũng khẳng định ông ấy sẽ “bảo vệ hệ thống an sinh xã hội”. Ông đã ký một biện pháp hành pháp vào tháng 8 nhằm tạo ra thời gian giãn thuế kéo dài từ ngày 1/9 đến ngày 31/12. Theo đó, người lao động sẽ được hoãn thuế trong 1 thời gian và chỉ phải trả lại tiền thuế vào đầu năm sau. Quyết định này chỉ áp dụng cho những người lao động có thu nhập dưới 100.000 USD/năm.
Đối với các khoản vay của sinh viên, ông Biden đã đề nghị miễn khoản nợ 10.000 USD trong vòng 5 năm. Ông Trump đã không đề cập các kế hoạch cụ thể về các khoản vay cho sinh viên. Chính quyền Tổng thống Trump đã cho phép tạm dừng thanh toán khoản vay sinh viên hàng tháng mà không phải tính lãi trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.
Mở rộng đối tượng Bảo hiểm sức khỏe
Chương trình Bảo hiểm sức khỏe (Medicare) giúp đài thọ cho hàng triệu người Mỹ cao tuổi và người khuyết tật một phần chi phí chăm sóc sức khỏe. Với ý nghĩa đó, ông Biden đã đề xuất một số thay đổi quan trọng đối với Chương trình này. Theo đó, các cá nhân được quyền đăng ký Medicare bắt đầu từ 60 tuổi, thay vì 65 tuổi như hiện nay.
Chương trình sẽ bao gồm chăm sóc nha khoa, thị lực và thính giác – đều là những dịch vụ hiện đang bị loại trừ khỏi gói Bảo hiểm. Ông Biden cũng muốn giảm chi phí thuốc kê đơn cho những người thụ hưởng Medicare, chẳng hạn, bằng cách cho phép chính phủ thương lượng các mức giá đó – việc mà hiện đang bị luật cấm. Ông Biden cũng hứa sẽ ngăn chặn, thậm chí cấm việc giá thuốc tăng nhanh hơn lạm phát.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã thực hiện một số bước để giảm bớt chi phí cho những người thụ hưởng Medicare và đã đề xuất một số thay đổi đối với chương trình y tế cao cấp. Ví dụ, tổng thống đã giảm chi phí thuốc, bằng cách dỡ bỏ “lệnh cấm” đối với các dược sĩ kê đơn thuốc rẻ hơn. Ông Donald Trump cũng dự định hỗ trợ thẻ thanh toán 200 USD cho một số cá nhân thuộc chương trình Medicare để giúp chi trả tiền thuốc. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang ủng hộ một vụ kiện nhằm lật ngược Đạo luật Obamacare, vốn đã thực hiện một số thay đổi đối với Medicare.
Đàm phán cứng rắn với Trung Quốc
Đối với thương mại quốc tế, ông Biden khẳng định kế hoạch của ông là thúc đẩy chính sách thương mại, thuế và đầu tư để đẩy mạnh đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài và tạo thêm 5 triệu việc làm cho người Mỹ.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy ngành sản xuất của đất nước bằng cách chi 400 tỷ USD ngân sách liên bang cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Ông cũng muốn hỗ trợ 300 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển các công ty công nghệ như xe điện và mạng 5G.
Ông Biden cam kết sẽ đàm phán cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ. Trung Quốc, cũng như Mỹ, chưa phải là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây là hiệp định thương mại đa phương mà ông Biden công khai ủng hộ khi ông còn là Phó Tổng thống.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và chính quyền của ông thường đổ lỗi cho Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng, đánh cắp tài sản trí tuệ và gần đây là đại dịch Covid-19. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố "không quan tâm" đến việc đàm phán với Bắc Kinh. Tổng thống Trump coi thỏa thuận mới đàm phán lại với Mexico, Canada và thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc là những thành tựu tiêu biểu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.