Kết quả bước đầu đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội

Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện Đề án 'Đổi mới cơ chế quản lý tài chính (QLTC) quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn năm 2018-2025 và những năm tiếp theo', Đại tá Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch ngân sách (Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng) cho biết: Sau hơn hai năm thực hiện công tác quản lý, điều hành ngân sách theo cơ chế mới, công tác QLTC trong quân đội bước đầu đạt một số kết quả tích cực.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã ban hành nghị quyết chuyên đề, tổ chức thực hiện cơ chế mới ngay trong năm ngân sách 2019. Cơ quan tài chính các cấp đã làm tốt nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các ngành nghiệp vụ tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng đơn vị thực hiện đúng trình tự các bước lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách theo cơ chế mới.

Công tác quản lý ngân sách chi thường xuyên cho quốc phòng ngày càng được mở rộng theo trung hạn. Việc thực hiện cơ chế này còn giúp tăng cường giao dự toán ngân sách ra Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi và thực hiện cấp phát, thanh toán đối với nội dung chi kinh phí không cần bảo mật, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong khâu cấp phát, thanh toán kinh phí; triển khai thực hiện mua sắm tập trung đối với các tài sản công. Giảm dần việc các ngành, đơn vị cấp trên mua sắm hàng hóa thông dụng cho cấp dưới...

Từ những kết quả đạt được, theo Đại tá Lê Trung Dũng, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị, ngành nghiệp vụ và cơ quan tài chính các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quyết định về Đề án “Đổi mới cơ chế QLTC quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” và các văn bản hướng dẫn; xác định rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường nâng cao kiến thức pháp luật về QLTC, tài sản, ngân sách trong quân đội. Thực hiện đúng quy trình lập, phân bổ dự toán ngân sách; tăng cường rà soát, bao quát toàn diện, bảo đảm kịp thời nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, hạn chế bỏ sót nhiệm vụ khi lập dự toán ngân sách hằng năm.

Đối với các ngành nghiệp vụ bảo đảm toàn quân, cần chủ trì phối hợp với Cục Tài chính rà soát, nghiên cứu, sớm báo cáo Bộ Quốc phòng ban hành hệ thống định mức chi, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức phân bổ dự toán ngân sách còn thiếu hoặc đã lạc hậu, chuẩn hóa nội dung chi ngân sách theo từng lĩnh vực, ngành làm cơ sở lập nhu cầu, phân bổ số kiểm tra, lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, sát với nhiệm vụ của ngành, đơn vị...

Trên cơ sở đó, Cục Tài chính tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn bộ nội dung đề án, từ đó cập nhật, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập cho phù hợp, sát với yêu cầu thực tế, điều chỉnh lộ trình thực hiện bảo đảm tính khoa học, khả thi; nghiên cứu, báo cáo Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung những bất cập trong hướng dẫn về công tác lập dự toán. Chủ động rà soát, bổ sung các yếu tố để làm căn cứ xây dựng phương án phân bổ, giao số kiểm tra, giao dự toán ngân sách cho các ngành, đơn vị. Tiếp tục mở rộng phương thức quản lý ngân sách theo trung hạn; hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn hằng năm; làm tốt công tác tập huấn về cơ chế QLTC cho các đối tượng để nâng cao nhận thức, kiến thức thực hiện cơ chế QLTC mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ket-qua-buoc-dau-doi-moi-co-che-quan-ly-tai-chinh-quan-doi-655991