Kết quả bước đầu thực hiện công tác dân số trong tình hình mới
Xác định thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình và toàn xã hội, thời gian qua, TP.Cao Lãnh luôn chú trọng và đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách này, nhất là công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số (DS) và phát triển. Nhờ đó, công tác DS ở TP.Cao Lãnh bước đầu đã đạt kết quả đáng ghi nhận, nhận thức của người dân dần được nâng lên.
TP.Cao Lãnh
Bà Trần Thiên Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh cho biết, từ năm 2018, cùng với ngành DS của tỉnh, công tác DS của thành phố đã chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang chính sách DS và phát triển. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến quy mô, cơ cấu, phân bố DS trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thực hiện công tác này, ngành DS thường xuyên thực hiện các chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ. Triển khai tốt các phong trào, mô hình, đề án về DS như: tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh,... Đồng thời phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các chủ đề: giới, giới tính, chăm sóc SKSS vị thành niên/thành niên; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng truyền thông, cung cấp dịch vụ, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân,... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế khóm, ấp và cộng tác viên (CTV) DS nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý ở cơ sở.
Chị Võ Thị Hồng Ngọc - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ Trạm Y tế xã Mỹ Trà chia sẻ: “Thông qua các buổi giao ban định kỳ tại Trung tâm Y tế thành phố, chúng tôi được cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông tại cộng đồng. Nhờ vậy, khi truyền thông về DS-KHHGĐ tại cơ sở, chúng tôi chú trọng tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, pa-nô, tăng cường đến thăm hộ các gia đình, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Qua đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn xã là 74,5%, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018; tỷ suất sinh thô là 11,58 ‰, giảm 0,31‰ so với năm 2018.
Hiện nay, TP.Cao Lãnh có 15 cán bộ chuyên trách và 215 nhân viên y tế khóm, ấp; CTV DS. Đa số CTV là người địa phương và có nhiều năm kinh nghiệm, tận tâm, trách nhiệm, nỗ lực trong các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn, gặp gỡ tại nhà,... nhờ đó mà nhận thức và hành động của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phần lớn người dân đã thấy được lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, đặc biệt là tư tưởng muốn sinh nhiều con và phải có con trai đã giảm. Chị Võ Thị Diễm ngụ ấp 2, xã Mỹ Trà cho biết: “Được cán bộ DS của xã quan tâm, tuyên truyền về sự quan trọng của công tác KHHGĐ, vợ chồng tôi tuy còn trẻ và sinh con một bề là gái nhưng cũng không có ý định sinh thêm con thứ 3 mà quyết định dừng lại ở hai con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con ăn học tốt”.
Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS, đội ngũ CTV DS còn lồng ghép trao đổi về tâm tư, tình cảm, đời sống gia đình, kinh nghiệm nuôi con khỏe - dạy con ngoan, kinh nghiệm chăm sóc SKSS, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nên công tác truyền thông đạt được hiệu quả cao. Cuối năm 2019, tổng số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn TP.Cao Lãnh là trên 14.600 trường hợp, đạt trên 133% chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ phát triển DS đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thiên Giang, công tác DS tại TP.Cao Lãnh vẫn còn gặp một số khó khăn, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thực hiện các chính sách về DS để giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, tăng chất lượng DS, hướng đến mục tiêu cải thiện tình trạng SKSS, duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, phù hợp với công tác DS trong tình hình mới theo hướng chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang chính sách DS và phát triển.