Kết quả đàm phán Mỹ - Trung: Ai lợi nhiều hơn
Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán vào cuối tuần rồi với kết quả tốt hơn kỳ vọng, khi hai bên đạt được một thỏa thuận tạm thời với sự nhượng bộ lẫn nhau. Ai thật sự có lợi từ kết quả này?
Người lạc quan, kẻ thận trọng
Trong khi Trung Quốc cam kết sẽ tăng mua nông sản Mỹ trong vòng hai năm tới, với giá trị mua hằng năm có thể lên đến 40-50 tỷ USD, thì phía Mỹ sẽ hoãn nâng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, dự kiến sẽ triển khai từ ngày 15/10/2019. Bắc Kinh cũng đồng ý một số biện pháp ngăn chặn sở hữu trí tuệ bất hợp pháp và các bước nhượng bộ liên quan đến dịch vụ tài chính và tỷ giá.
Dù vậy, những vấn đề cốt lõi như cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Trong vòng đàm phán vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump cho biết các vấn đề liên quan đến Công ty Huawei Technologies không phải là một phần của thỏa thuận lần này và sẽ là một quá trình tách biệt, sẽ được thảo luận trong giai đoạn thứ hai của cuộc đàm phán.
Thái độ của hai bên đối với kết quả đàm phán cũng trái ngược. Trong khi Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan và đánh giá “đã có một cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc”, đồng thời kỳ vọng sẽ sớm ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi cùng tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào giữa tháng 11, thì phía Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng hơn.
Nếu nhìn vào kết quả của những cuộc đàm phán trước đây dù được công bố tích cực từ cả hai bên nhưng sau đó các cam kết đều bị phá vỡ trong thời gian ngắn, cũng như tính khí khó lường của ông Trump, chính quyền ông Tập có lý do để không quá hy vọng vào một kết quả thật sự tốt đẹp. Về phần mình, Bắc Kinh luôn tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích cốt lõi, do đó khác biệt giữa hai bên khó có thể được giải quyết sớm.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ khó lòng đồng ý thực thi đầy đủ các yêu cầu từ phía Mỹ như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ nội địa hóa dữ liệu, giới hạn vai trò các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa toàn diện thị trường đại lục.
Lợi ích tạm thời
Có thể sẽ có những thỏa thuận tạm thời, tuy nhiên giới phân tích tỏ vẻ hoài nghi liệu nó có được thực thi hay không chứ chưa nói đến một thỏa thuận lâu dài.
Dù vậy, kết quả này trước mắt sẽ giúp cả hai bên chấp nhận những lợi ích trước mắt. Những cam kết từ phía Trung Quốc cho thấy dường như phía Mỹ đang giành được lợi thế hơn khi đổi lấy việc hoãn tăng thuế với việc bán thêm nông sản cho Trung Quốc với giá trị được xác định, đồng thời giành được những nhượng bộ khác từ phía Bắc Kinh.
Cũng cần biết rằng, việc hoãn tăng thuế không chỉ có lợi cho Trung Quốc, mà cũng giúp cho các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng hóa có thêm thời gian để tìm kiếm các nguồn thay thế, cũng như giúp người tiêu dùng Mỹ tránh được việc mua hàng hóa với giá cao, đặc biệt là chuẩn bị bước vào mùa cao điểm mua sắm trong dịp Giáng sinh và năm mới.
Những nhượng bộ từ Trung Quốc trong thỏa thuận tạm thời không chỉ giúp ông Trump ghi điểm, mà với cam kết cụ thể sẽ mua thêm nông sản từ phía Trung Quốc cũng sẽ giúp các bang chuyên sản xuất nông nghiệp của Mỹ - vốn luôn ủng hộ Trump từ trước đến nay, sẽ càng thêm tín nhiệm tổng thống đương chức. Điều này rất có lợi cho ông Trump trong cuộc tái tranh cử tổng thống vào năm tới.
Và đây cũng là cách để Tổng thống Mỹ ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế trước thềm cuộc chạy đua nhiệm kỳ hai của ông. Kinh tế Mỹ gần đây đã có dấu hiệu giảm tốc và những rủi ro dần xuất hiện, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải đảo ngược chính sách nên có hai lần giảm lãi suất liên tiếp trong vòng hai tháng, và khả năng sẽ có thêm một lần giảm nữa trong thời gian còn lại của năm nay.
Về phía Trung Quốc, thỏa thuận giai đoạn 1 cũng giúp ông Tập Cận Bình nhẹ nhõm khi nền kinh tế nước này vốn đang giảm tốc sẽ thoát khỏi những khó khăn, thay vào đó, Bắc Kinh sẽ có thời gian tập trung hóa giải những thách thức khác, như vấn đề từ Hồng Kông.
Đáng lưu ý là Tổng thống Trump mới đây phát biểu rằng thỏa thuận thương mại sắp ký với Trung Quốc là tích cực với Hồng Kông và người biểu tình nên tự lo cho mình. Tuyên bố này của ông Trump khiến không ít người bất ngờ, khi trước đó Ủy ban Đối ngoại Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hồi tháng 9 đã thông qua một đạo luật ủng hộ "các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông" qua việc gây áp lực với nhà chức trách Trung Quốc.