Kết quả đánh giá an toàn phòng chống, dịch Covid-19 tại chợ, siêu thị ở TP HCM

Tất cả chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP HCM vừa được triển khai Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19

Việc đánh giá này là một phần của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tái sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn sau dịch Covid-19 theo Quyết định số 1370/QĐ-BCĐ ngày 23/4/2020 của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM được triển khai từ 24-4.

Theo đó, Sở Công Thương TP đã hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đến UBND 24 quận, huyện, Ban Quản lý chợ đầu mối, các chợ truyền thống (có nhà lồng) và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thông tin cho người dân biết những điểm mua sắm đạt tiêu chí an toàn, đủ điều kiện hoạt động.

Theo Sở Công Thương, đến nay đã có 3 chợ đầu mối, 216 siêu thị, 40 trung tâm thương mại gửi phiếu tự đánh giá về Sở, bảo đảm đạt tiêu chí an toàn, đủ điều kiện hoạt động.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND 24 quận - huyện, 196/197 chợ truyền thống có nhà lồng đạt tiêu chí. Chỉ duy nhất chợ Đình ở huyện Hóc Môn chưa đủ điều kiện, đang triển khai giải pháp khắc phục.

Từ ngày 28-4 đến 7-5, Sở Công Thương đã phối hợp UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra 17 điểm bán về công tác triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, tất cả điểm bán đều bảo đảm tiêu chí an toàn (từ 80% trở lên), đủ điều kiện hoạt động.

Các siêu thị trên địa bàn TP HCM vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho khách hàng, nhân viên

Các siêu thị trên địa bàn TP HCM vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho khách hàng, nhân viên

Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê TP HCM, 85,47% số DN trên địa bàn bị tác động bởi dịch Covid-19, riêng ngành bán lẻ có tỉ lệ DN chịu tác động tiêu cực là 87,06%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 506.733 tỉ đồng, giảm 4,9% (cùng kỳ tăng 12,3%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước đạt 331.514 tỉ đồng, tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 13,7%), chiếm 65,42% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Như vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa đang có xu hướng phục hồi nhưng còn chậm (quý 1 năm 2020 tăng 8%; 5 tháng năm 2020 tăng 8,4% so cùng kỳ) do sức mua còn phụ thuộc vào thu nhập của người lao động vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mãi lực tại hệ thống chợ đã tăng 10%-15% so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Sự tăng trưởng đáng chú ý đến từ các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini...

Để vực dậy ngành bán lẻ, các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi trong quý 2, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các DN cải thiện được doanh thu.

Theo kết quả điều tra thương mại điện tử của Cục Thống kê, doanh thu bán hàng qua internet (email và website) chiếm 42,1% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp được điều tra (219.457 DN), tỉ lệ hộ gia đình sử dụng thẻ thanh toán, chuyển khoản (không dùng tiền mặt) khi mua hàng đạt 30,8%, có 89,4% DN hỗ trợ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ket-qua-danh-gia-an-toan-phong-chong-dich-covid-19-tai-cho-sieu-thi-o-tp-hcm-20200601112101649.htm