Kết quả Hội nghị G7: Chưa có giải pháp cho khủng hoảng lương thực và năng lượng?

Vẫn là xung đột Nga–Ukraine và giải pháp cho các hệ lụy, nhưng dù chi phối phần lớn thời lượng các chương trình nghị sự tại Hội nghị G7 thì mục tiêu giải quyết những vấn đề mang tính sống còn như khủng hoảng lương thực và năng lượng vẫn khá bế tắc và tiếng nói của các quốc gia nghèo vẫn không đủ lớn.

Kết quả Hội nghị G7: Chưa có giải pháp cho khủng hoảng lương thực và năng lượng? Trong ảnh: Người phụ nữ đứng trước nhà máy nhiệt điện than Jänschwalde tại Peitz, Đức, 29/10/2021. Đây là một trong những nhà máy phát thải carbon lớn nhất ở châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Kết quả Hội nghị G7: Chưa có giải pháp cho khủng hoảng lương thực và năng lượng? Trong ảnh: Người phụ nữ đứng trước nhà máy nhiệt điện than Jänschwalde tại Peitz, Đức, 29/10/2021. Đây là một trong những nhà máy phát thải carbon lớn nhất ở châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đang làm tăng thêm những bất bình đã tồn tại từ trước. Và do đó, với những giải pháp được xem là quá "khiêm tốn” cho các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kết thúc trong thất vọng.

Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao là hình thức lạm phát kinh khủng nhất. Nếu giá đồ nội thất hoặc điện thoại thông minh tăng, người ta có thể trì hoãn việc mua hàng hoặc từ bỏ nó. Nhưng họ không thể ngừng ăn. Tương tự như vậy, chi phí vận chuyển được tính vào mọi lợi ích vật chất và hầu hết mọi người không thể dễ dàng đi bộ đến nơi làm việc. Vì vậy, khi lương thực và nhiên liệu ngày càng cạn kiệt, mức sống có xu hướng giảm đột ngột. Đau đớn nhất là đối với cư dân thành phố ở các nước nghèo, những người chi tiêu một phần lớn thu nhập của họ cho bánh mì và vé xe buýt.

Giải pháp "ngắn" và cam kết "khiêm tốn"

Các nhà lãnh đạo G7 hứa hẹn chi 4,5 tỷ USD trong năm nay (hơn một nửa từ Mỹ), để đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu, tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lương thực, báo động về thiếu lúa mì và dầu hướng dương, là hậu quả do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm bớt cái mà họ gọi là "cuộc khủng hoảng đa chiều", khiến 323 triệu người trên toàn cầu có nguy cơ thiếu lương thực cao - một kỷ lục.

Trong khi đó, cú sốc năng lượng năm nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông năm 1973 và 1979. Giống như những thảm họa đó, nó hứa hẹn sẽ gây ra nỗi đau ngắn hạn và về lâu dài sẽ làm biến đổi ngành năng lượng. Nỗi đau mà hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt sẽ là tăng trưởng tồi tệ, lạm phát, mức sống bị thắt chặt và phản ứng chính trị. Nhưng những hậu quả lâu dài thì vẫn chưa thể lường trước được và nếu không khéo léo, các chính phủ có thể lại tái kích hoạt nhiên liệu hóa thạch, khiến mục tiêu về khí hậu lại lung lay.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 50% và việc bổ sung khí đốt trước mùa Đông trở nên ngày càng khó khăn. Mười quốc gia EU đã đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng thiếu hụt khí đốt khẩn cấp. Nga đã cắt giảm 60% công suất của đường ống chính đến Đức kể từ tuần trước. Trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel (Đức), Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cảnh báo, nước này có thể buộc phải đóng cửa cả ngành công nghiệp nếu xảy ra tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trên toàn quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 đến từ các nước Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Anh và thành viên đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đã cùng xem xét các giải pháp để vừa giảm chi phí năng lượng, vừa tôn trọng các cam kết giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trước sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường, G7 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh bằng một lập trường mềm mỏng hơn. Phát biểu trước báo giới, Chủ trì hội nghị đồng thời là Chủ tịch G7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng: "Khí đốt tạm thời sẽ vẫn cần thiết và đó là lý do tại sao chúng ta có thể vẫn cần những khoản đầu tư trong giai đoạn chuyển tiếp này, do đó có thể cần được hỗ trợ”.

Đối với việc chi phí năng lượng tăng cao, ý tưởng đặt ra mức “giá trần” đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu của Nga đã gây xôn xao dư luận trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh.

Các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra những tác động không mong muốn nhưng có thể lường trước được là giá dầu thô toàn cầu tăng cao. Trong bối cảnh đó, một mức “giá trần” có thể vừa làm giảm giá năng lượng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp đồng thời vừa tác động đến dự trữ tiền mặt của Nga.

Mặc dù sự nhiệt tình của các nước là rõ ràng, nhưng cuối cùng, các lãnh đạo chỉ ra được một thông báo về thỏa thuận nhằm "nghiên cứu” lệnh cấm Nga bán dầu cao hơn một mức giá nhất định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Việc đặt giới hạn đối với dầu nhập khẩu từ Nga là một ý tưởng rất hay, nhưng ông cảnh báo có thể gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc thực hiện”.

Cùng với việc thắt chặt các biện phát trừng phạt Nga, Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng tập trung vào việc giúp đỡ Ukraine. Các nhà lãnh đạo đã cam kết hỗ trợ hơn 30 tỷ Euro (31,6 tỷ USD) cho ngân sách và các vấn đề nhân đạo.

Còn với khoản cam kết trị giá 4,5 tỷ USD để cứu trợ nạn đói đã bị các nhà hoạt động chỉ trích nặng nề. Họ cho rằng, con số này quá ít. Giám đốc chiến dịch của Oxfam Charlotte Becker cho biết trong một tuyên bố rằng: “4,5 tỷ USD là cam kết quá ít để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, cũng như ngăn chặn việc ngày càng có nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói”.

Vẫn là tranh giành tầm ảnh hưởng

Theo đại diện của Oxfarm, cần thêm ít nhất 28 tỷ USD để chấm dứt nạn đói và tài trợ cho những lời kêu gọi giúp đỡ của Liên hợp quốc. Là một câu lạc bộ không chính thức của 7 quốc gia giàu có nhất thế giới, G7 thường xuyên bị chỉ trích vì có sức ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế toàn cầu nhưng lại không tuân thủ nhiều cam kết.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên G7 chiếm đáng kể, tới 45% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, con số này đã giảm rất nhiều từ mức gần 70% của 30 năm trước.

Trong khi đó, G7 đang lo ngại về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, đặc biệt là kể từ khi Bắc Kinh khởi động sáng kiến “Vành đai và con đường”, một dự án cơ sở hạ tầng đã đầu tư hoặc cho các nước nghèo vay hàng tỷ USD trong những năm gần đây.

Sự lo lắng về Trung Quốc càng gia tăng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Ngày 27/6, các nhà lãnh đạo G7 đã tiết lộ kế hoạch huy động 600 tỷ USD để đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng tại các nước đang phát triển, nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Biện pháp này nhằm cho các đối tác của chúng tôi ở các nước đang phát triển thấy rằng họ có quyền lựa chọn”.

Tuy nhiên, theo lời Giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Aspen Đức, Stormy-Annika Mildner nói với hãng truyền thông DW, “Đây là một chủ đề lớn trong chương trình nghị sự hội nghị năm ngoái”. Và dường như không có nhiều tiến triển diễn ra kể từ đó. Bây giờ họ đã tạo ra một liên minh mới, điều mà tôi phải nói rằng nghe có vẻ giống với với những gì họ đã tạo ra hồi năm ngoái, có chăng là cụ thể hơn”.

(theo The Economist, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-qua-hoi-nghi-g7-chua-co-giai-phap-cho-khung-hoang-luong-thuc-va-nang-luong-189041.html